Trang mạng nationalinterest.org, những người kỳ cựu trong chính quyền Trump thường lập luận rằng họ đã “biến đổi” chính sách đối ngoại Mỹ - thứ nhất, qua việc làm nổi bật sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, và thứ hai, bằng cách tập trung sự cạnh tranh này vào sự trỗi dậy của Trung Quốc nói riêng.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump, H.R. McMaster, gọi “cách tiếp cận cạnh tranh với Trung Quốc” là “sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh.”
Tuy nhiên, để cạnh tranh trong địa chính trị - cũng như trong thể thao, kinh doanh và cuộc sống, chúng ta cần phải cạnh tranh thực sự. Washington phải làm tốt hơn đối thủ Trung Quốc chứ không chỉ coi thường nó. Và họ phải xác định sự cạnh tranh trong điều kiện vừa thực tế vừa khả thi.
Theo những tiêu chuẩn này, Mỹ không chỉ thiếu hụt, họ còn mắc phải ba sai lầm chiến lược quan trọng làm suy giảm vị thế cạnh tranh của mình.
Để thành công ở châu Á, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ cần một chính quyền ít “than vãn” hơn, cạnh tranh nhiều hơn và tận dụng những thế mạnh thực sự của Mỹ ở châu Á chứ không chỉ là mong muốn, giấc mơ và tưởng tượng của họ.
Trước tiên, việc cạnh tranh với Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải hợp tác các đối tác ở châu Á. Và trong khi nhiều chính phủ châu Á cũng suy nghĩ theo khía cạnh cạnh tranh và tìm kiếm sự can dự mạnh mẽ của Mỹ để đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc, họ cần nỗ lực của Washington để phản ánh hai thực tế khách quan của khu vực - vị trí địa lý và sức nặng kinh tế.
Vị trí địa lý là điểm quan trọng vì Trung Quốc là quốc gia duy nhất tiếp giáp về mặt địa lý với mọi tiểu vùng của châu Á-Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á.
Thực tế không thể thay đổi này mang lại cho Trung Quốc khả năng “tự nhiên” để tận dụng vị trí địa lý theo những cách mà Mỹ không thể.
Để cạnh tranh với Bắc Kinh, Washington cần phát huy thế mạnh cạnh tranh của riêng mình: tiếp cận vốn; các công ty tốt nhất thế giới; công nghệ hàng đầu thế giới; và các mối liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế là Mỹ gần như đang biến mất, hay nói cách khác là rút lui khỏi các hoạt động thương mại, tại khoảng 2/3 khu vực Âu-Á.
Nói một cách đơn giản, Trung Quốc tỏ ra ảnh hưởng hơn với tư cách là nhà kinh doanh, nhà xây dựng và nhà cho vay ở phần lớn khu vực châu Á. Song, bất chấp những thực tế khách quan này, thông điệp của Mỹ vẫn là thúc giục các đối tác châu Á không “đếm xỉa” tới thực tế vị trí địa lý và thúc đẩy hợp tác chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Năm 2020, trong các chuyến công du tới Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mike Pompeo không nhấn mạnh đến các sáng kiến của Mỹ mà thay vào đó “chê bai” sự cạnh tranh của Trung Quốc, một cách tiếp cận mang lại những thông điệp phản tác dụng và những tuyên bố mâu thuẫn từ các chính phủ mà ông Pompeo đang cố gắng tập hợp.
Không có gì ngạc nhiên khi Washington đang trở nên “sa sút”: Họ có quan điểm đúng nhưng thiếu chiến lược khu vực.
Sai lầm thứ hai của Mỹ là coi cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hầu như chỉ là một thách thức an ninh chứ không phải kinh tế.
Trung Quốc là một mối đe dọa không thể phủ nhận đối với các lợi ích an ninh của Mỹ, vì vậy việc tăng cường khả năng răn đe phải là một ưu tiên chiến lược quan trọng.
Chừng nào Washington còn đầu tư vào các liên minh và quan hệ đối tác an ninh, nâng cấp khả năng tiếp cận cho các lực lượng và hiện đại hóa các nền tảng vũ khí của mình thì Washington sẽ vẫn là yếu tố cân bằng an ninh thiết yếu của châu Á.
Gần như mọi quốc gia châu Á, từ Nhật Bản đến Việt Nam, đều bất bình trước sự cưỡng ép của Trung Quốc và tìm kiếm sự cân bằng mạnh mẽ của Mỹ trước sức mạnh hải quân và khả năng phô trương sức mạnh ngày một gia tăng của Bắc Kinh.
[Ông Biden và cơ hội để Mỹ sửa chữa chính sách Đông Nam Á]
Tuy nhiên, ngay cả khi Washington củng cố vai trò an ninh của mình, vai trò lãnh đạo kinh tế của họ ở châu Á đang lâm nguy.
Và thành công của Mỹ không chỉ dựa trên tiền đề là trở thành nhà bảo trợ an ninh của khu vực mà còn là động lực chính thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của châu Á và dẫn đầu với tư cách là người thiết lập các tiêu chuẩn.
Do đó, vấn đề là các nền kinh tế Đông Á ngày càng thúc đẩy nhu cầu của riêng họ. Thương mại nội Á đang làm lu mờ thương mại với Mỹ.
Để bù đắp, Washington nên củng cố vai trò từ lâu của mình với tư cách là người vạch ra các quy tắc của châu Á.
Tuy nhiên, Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Như vậy, Mỹ đang đứng bên ngoài cả hai hiệp định - CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - vốn sẽ định hình các tiêu chuẩn thương mại và đầu tư ở châu Á trong một thế hệ.
Sai lầm thứ ba là Mỹ luôn chối bỏ thừa nhận sự thay đổi về phạm vi và quy mô của châu Á kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỹ không thể quay ngược đồng hồ trở lại châu Á mà họ từng “áp đảo” từ năm 1945 đến năm 2008.
Thay vì chỉ là các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu, châu Á hiện là người tiêu dùng và nhập khẩu. Họ là những người cung cấp vốn, chứ không chỉ là bên tiếp nhận.
Và hội nhập kinh tế đang làm cho châu Á trở nên "châu Á" hơn và ít "Thái Bình Dương" hơn, và không trở thành khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm như Washington lo ngại.
Xét cho cùng, Bắc Kinh cũng vắng mặt trong CPTPP, và chính nguồn tài chính dự án của Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, chiếm ưu thế ở cả Đông Nam Á và Ấn Độ.
Thách thức của Biden là điều chỉnh chiến lược của Mỹ để phù hợp với khu vực đã có nhiều thay đổi lớn này chứ không phải ảo tưởng về một cuộc “tua ngược” thời gian về châu Á từng xác định Mỹ là trung tâm trong mọi lĩnh vực.
Mô hình lực hấp dẫn trong kinh tế có nghĩa là châu Á cũ sẽ không quay trở lại. Tuy nhiên, Mỹ có thể thích ứng và cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách tận dụng các thế mạnh độc nhất của Mỹ- từ hệ sinh thái đổi mới đến việc khám phá lại vai trò của mình như một quốc gia thiết lập tiêu chuẩn.
Và đối với ông Biden, không giống như ông Trump, sẽ dễ dàng hơn để triển khai đòn bẩy đó trong bối cảnh các thông điệp không xoay quanh chủ đề “Nước Mỹ trước tiên.”/.