Bà Rịa-Vũng Tàu với hướng phát triển mới từ kinh tế tuần hoàn

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết tỉnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Các tổ chức, đoàn thể của huyện Côn Đảo phát động chương trình thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Tiếp thu những định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm đưa tỉnh phát triển theo hướng xanh và bền vững.

“Điểm nghẽn” hình thành

Việt Nam và thế giới hiện chủ yếu đang phát triển theo mô hình tuyến tính. Nguyên liệu, khai thác tài nguyên để làm ra sản phẩm tiêu dùng, sử dụng xong, bỏ thành phế thải dẫn đến ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt dần.

Ngành khai khoáng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh đang có xu hướng suy giảm trong thập kỷ vừa qua, ở mức từ 56% toàn ngành năm 2015 xuống còn 37,4% năm 2020, tuy nhiên, ngành này hiện vẫn duy trì là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Sản phẩm chính của ngành khai khoáng là dầu thô, khí tự nhiên với trữ lượng có giới hạn và đang có xu hướng giảm dần theo thời gian nên giá trị sản xuất cũng giảm dần.

[Các khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thiện hạ tầng đón nhà đầu tư]

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mô hình kinh tế tuyến tính ở tỉnh đang hình thành “điểm nghẽn,” ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của địa phương. Nếu không kịp thời chuyển đổi mô hình, điểm nghẽn lớn dần, sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém để khắc phục sau này.

Trước thực trạng này và nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn (khai thác-sản xuất-sử dụng-tái sử dụng-tái chế- tái sinh) đang được nhiều nước có nền kinh tế phát triển áp dụng, đồng thời là mô hình phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết tỉnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững theo chương trình Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11/2021 tại Glasgow (Anh), hiện thực hóa cam kết, mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Từ tháng 4/2021, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết nối với các vụ, cục của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cho huyện Côn Đảo.

Song song với đó, tỉnh đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, góp ý, đề xuất giúp tỉnh xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế, đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Nhà máy nước huyện Côn Đảo công suất 3.800m3 ngày/đêm luôn hoạt động hết công suất. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Ngay sau dịch COVID-19 lắng xuống, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mô hình nghiên cứu” trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn cho biết đã đề xuất triển khai 4 nhóm mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với cảng biển và logistics; cộng sinh công nghiệp; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; du lịch sinh thái trong thời gian tới, đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của địa phương, làm cơ sở nhân rộng mô hình trên toàn quốc, góp phần phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Côn Đảo tiên phong

Với vị trí chiến lược và là nơi lưu giữ hàng hoạt di tích lịch sử cách mạng, nhiều điểm du lịch tâm linh, các bãi tắm và khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, Côn Đảo được Chính phủ quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Thời gian qua, dân số của Côn Đảo đã tăng lên đáng kể, đến nay, quy mô dân số đã đạt 12.000 người, tăng gấp đôi so với năm 2010 và chủ yếu là tăng cơ học.

Bên cạnh đó, khách du lịch hằng năm cũng tăng nhanh, đặc biệt là vào mùa cao điểm sau khi các hãng tàu cánh ngầm đi vào hoạt động; nhất là khi sân bay Côn Đảo sắp hoàn thành việc nâng cấp.

Trước đó, huyện Côn Đảo dự kiến, đến năm 2030 có khoảng 300.000-350.000 lượt khách/năm, nhưng 11 tháng năm 2022, lượng khách đã đạt hơn 500.000 lượt.

Mặc dù Côn Đảo có rừng nguyên sinh che phủ hơn 90% diện tích nhưng do địa hình dốc và phần lớn được cấu thành từ đá gốc, phần dưới có lớp trầm tích mỏng nên khả năng trữ nước ngầm ở Côn Đảo rất thấp.

Ngoài ra, bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 hiện đang tồn hơn 70.000 tấn rác và diện tích còn lại chỉ còn khoảng 300m2, trong khi mỗi ngày Côn Đảo hiện phát sinh khoảng 15 tấn rác thải. Nước rỉ rác ngấm xuống đất đang tác động đến chất lượng nước, hệ sinh thái dưới nước gần bãi rác.

Thực trạng trên đang khiến huyện Côn Đảo đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng như thiếu nước ngọt, thiếu điện, ô nhiễm môi trường do rác thải, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng, phát triển hỗn tạp… trong khi diện tích đảo hạn chế (diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,2%), nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, vị trí xa đất liền, đã gây áp lực rất lớn và đe dọa sự phát triển bền vững cho huyện đảo này. Đây là những “điểm nghẽn” gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tương lai phát triển cho Côn Đảo.

Hồ Quang Trung 2 được huyện Côn Đảo đầu tư bài bản và bảo vệ nghiêm ngặt để trữ nước cho Côn Đảo. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết từ những thách thức gặp phải, tỉnh đã chọn địa phương này làm điểm tiên phong nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với huyện, tạo cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Đây được xem là một trong những giải pháp chiến lược và tạo đột phá trong giải quyết các tồn tại mang tính đa mục tiêu như hiện nay, giúp Côn Đảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống người dân không những trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo do quy mô dân số còn vừa phải với mức sống khá, có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển năng lượng tái tạo và nhất là qua khảo sát, người dân rất hợp tác với chính quyền.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo Lê Văn Phong cho biết Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các viện nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, song song với việc tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm nước, phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilong, tổ chức các hoạt động thu gom rác thải đại dương, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà máy xử lý nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu dài hạn, đồng thời nâng cấp hệ thống đường ống dẫn nước chống rò rỉ thất thoát nước.

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường.

Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, điều chỉnh về chiến lược, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thể chế hóa các chính sách, công cụ pháp lý để hỗ trợ quá trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục