Ngày 12/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức hội thảo Phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh trong giai đoạn tới, cùng với đà phát triển của cả nước và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo ra nhiều lợi thế, nhiều cơ hội mới cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Với không gian phát triển rộng lớn và đồng bộ hơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh.
Đặc biệt, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng tập trung phát triển mạnh một số ngành công nghiệp: cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hoá dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hoá dầu; công nghiệp năng lượng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp dược, thiết bị y tế; công nghiệp môi trường.
Ông Nguyễn Công Vinh hy vọng các đại biểu sẽ định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và nước ngoài.
[Bà Rịa-Vũng Tàu cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn FDI]
Từ đó, đề xuất các giải pháp tối ưu nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu, tiến đến cam kết chia sẻ cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của các địa phương nhằm tạo chuỗi liên kết, tăng giá trị sản xuất cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng thời, đóng góp những giải pháp hữu hiệu, đột phá, tư duy chiến lược, liên kết để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển thông minh, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng và các địa phương trong vùng trong tương lai.
Tham luận tại hội thảo về đề xuất các hoạt động liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm khẳng định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động và có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước. Đây là vùng kinh tế có khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Tính đến tháng 11/2022 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thu hút 19.835 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư trên 192 tỷ USD. Tuy nhiên, các địa phương vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn có một số hạn chế của việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân hạn chế của việc thu hút FDI tại vùng đến từ việc thiết kế cũng như thực thi chính sách thu hút FDI như kết cấu hạ tầng kém phát triển, thiếu đồng bộ khung pháp lý, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp.
Bà Trần Thị Hải Yến nhấn mạnh liên kết vùng luôn được coi là một công cụ hữu hiệu nhằm phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế của vùng, đặc biệt là nền tảng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Để đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài, bà Yến cũng lưu ý các tỉnh là liên kết vùng trong hoạch định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đồng bộ để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; hướng dẫn, thông tin và tư vấn cho các nhà đầu tư lựa chọn mục tiêu và lĩnh vực đầu tư.
Bên cạnh đó, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu lao động của kinh tế vùng, khu vực FDI. Cùng với đó, liên kết đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước đồng bộ, hiện đại để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực.
Xây dựng và phát triển Chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam,” ông Toshito Kazama, Chuyên gia Cố vấn Văn phòng Japan Desk Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện tổ chức JETRO cho biết niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng vẫn không ngừng tăng.
Hai năm qua, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng. Để đạt được kết quả đó, là nhờ chính sách thương mại tự do, sự tích cực trong thu hút đầu tư và ý định cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy có tới 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1 đến 2 năm tới, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng là thị trường ưa chuộng xếp thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) cho việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Cũng tại hội thảo, đại diện các địa phương Tây Ninh, Đồng Nai; các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh như Công ty Cổ phần phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa Dầu Long Sơn, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 cũng đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư công nghiệp của địa phương, doanh nghiệp./.