Mới đây, tạp chí Time Out của Anh đã gợi ý 24 điểm đến hoang sơ, mới mẻ dành cho du khách, trong đó Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) đứng ở vị trí thứ 4 của danh sách này.
Nơi đây được địa phương định hướng phát triển “xanh”, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn…
Hòn đảo “quyến rũ,” hút khách
Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành có các tour, tuyến đưa khách đến tham quan Côn Đảo.
Không chỉ tham quan, trải nghiệm, một số đơn vị còn triển khai các tour du lịch bảo vệ môi trường như nhặt rác, trồng cây xanh…
Anh Nguyễn Xuân, du khách ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, vẻ đẹp hoang sơ của “đảo ngọc” rất đặc biệt, không phải nơi nào cũng có được. Bên cạnh những di tích lịch sử truyền thống cách mạng như Nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo…, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như khám phá các đảo nhỏ, lặn biển ngắm san hô, tìm hiểu quá trình bảo tồn và phục hồi bãi đẻ của rùa biển trên hòn bảy cạnh.
Số liệu của Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, có trên 396.000 lượt khách du lịch đến Côn Đảo, tăng 102,74% so với cùng kỳ, đem lại doanh thu trên 1.500 tỷ đồng.
Ước tính, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 170 điểm đến du lịch; 14 tour tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí kết nối trung tâm tỉnh cũng như các khu vực của huyện Côn Đảo.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, Côn Đảo đang tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái theo hướng “Net Zero” (phát thải bằng 0), trong đó hướng đến dòng khách chi tiêu cao.
Địa phương cũng mong muốn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu đến khách trong nước và quốc tế về một điểm đến xanh với nhiều sản phẩm du lịch thú vị.
Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng
Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, hiện tại Côn Đảo đã thực hiện khá tốt các hoạt động tuyên truyền về sống xanh, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị-Truyền thông Lữ hành Vietluxtour, cho biết, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay, từ không khí đến cảnh quan của Côn Đảo mang đến cho du khách cảm nhận một không gian yên bình, xanh mát và trong lành, nhiều khách sạn và điểm đến có bảng hướng dẫn và quy định về việc hạn chế rác thải nhựa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và không xâm hại tài nguyên du lịch. Có thể đây chính là sự khác biệt đáng quý của Côn Đảo với các khu đảo du lịch nổi tiếng khác.
“Tuy nhiên, để phát triển du lịch xanh, bền vững, cần phải có một chiến lược lâu dài nhằm tái tạo tài nguyên, khai thác du lịch hợp lý, không tạo nên sự quá tải với môi trường vì diện tích Côn Đảo có giới hạn. Đồng thời, cần tăng cường nhận diện thương hiệu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách trước, trong và sau tour,” bà Trần Thị Bảo Thu góp ý.
Cùng chung nhận định trên, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly bổ sung, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy các chương trình phát triển du lịch quốc gia, đặc biệt tập trung vào các khu du lịch đặc thù như Côn Đảo.
Khảo sát gần đây cho thấy sự quan tâm gia tăng đối với các điểm đến thiên nhiên và du lịch bền vững, với hơn 70% khách du lịch tiềm năng bày tỏ mong muốn trải nghiệm các hoạt động du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường.
Các số liệu từ Tổng cục Du lịch cũng chỉ ra Côn Đảo có thể trở thành một trong những điểm đến hàng đầu về du lịch sinh thái nếu xây dựng chiến lược tiếp thị và thương hiệu phù hợp.
Vì vậy việc triển khai chiến lược du lịch bền vững tại Côn Đảo sẽ tận dụng tối đa các cơ hội và nguồn lực từ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của Nhà nước.
Theo thông tin từ Vietnam Airlines, trong 2 ngày 23 và 24/9 Vietnam Airlines phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân huyện Côn đảo và các đối tác đã thực hiện thu gom khoảng 380kg rác thải nhựa có thể tái chế tại địa bàn.
Đây hoạt động tiền đề cho Ngày Hội Côn Đảo Xanh nằm trong chiến dịch Bay nhẹ tới Côn Đảo do Vietnam Airlines, Ủy ban Nhân dân Huyện Côn Đảo và VASCO tổ chức thực hiện.
Lễ phát động sẽ diễn ra vào ngày 30/9, đồng thời triển khai “Lễ trồng cây” và “Ngày hội Côn Đảo xanh”…
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đồng hành cùng “đảo ngọc” phát triển kinh tế tuần hoàn trên những hành trình bay tới Côn Đảo.
Năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.”
Trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025 tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10% trong giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau đạt 10% vào năm 2030; tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 10% giai đoạn 2022-2025, tăng 30% giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ đạt 10% trong giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ thu gom, sửa chữa, tân trang, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng đạt 10% vào năm 2025 và 15% trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ Giao thông Vận tải tìm cách 'hạ nhiệt' giá vé máy bay đến Côn Đảo
Do hạn chế cơ sở hạ tầng, Cảng Hàng không Côn Đảo chưa tiếp nhận được các loại máy bay lớn nên việc khai thác còn hạn chế, dẫn tới giá vé luôn ở mức cao.