Bà Rịa-Vũng Tàu: Nan giải bài toán xử lý rác thải ở Côn Đảo

Bãi rác sắp đầy khiến nguy cơ Côn Đảo bị ngập trong rác trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, điều này đang làm cho chính quyền địa phương như "ngồi trên đống lửa."
Những đứa trẻ chơi đùa cùng với rác tại bãi tắm gần Cầu Tàu 914. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Những đứa trẻ chơi đùa cùng với rác tại bãi tắm gần Cầu Tàu 914. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Côn Đảo được ví như “bàn thờ của Tổ quốc,” bất cứ người dân Việt Nam nào đến đây cũng thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ những người con anh dũng đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Cho đến nay, hệ thống nhà tù khét tiếng tồn tại 113 năm (1862-1975) được ví như “địa ngục trần gian” vẫn còn khá nguyên vẹn; hệ sinh thái rừng, biển đặc sắc là cơ sở để Côn Đảo xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Thế nhưng, rác thải đang là vấn đề rất lớn, đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này ở Côn Đảo.

Rác "tấn công" Côn Đảo

Cùng với sự phát triển của Côn Đảo, 20 năm qua, bãi rác thải sinh hoạt của huyện đảo tại khu vực Bãi Nhát cũng lớn dần. Thời gian gần đây, sự phát triển bùng nổ về lượng khách du lịch đến đảo dẫn đến lượng rác thải gia tăng.

Bãi rác sắp đầy khiến nguy cơ Côn Đảo bị ngập trong rác trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều này đang làm cho chính quyền địa phương như "ngồi trên đống lửa."

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 hiện đã chứa hơn 70.000 tấn rác và diện tích còn lại chỉ còn khoảng 300m2. Trong khi đó, mỗi ngày Côn Đảo hiện phát sinh khoảng 15 tấn rác thải, nhưng nhà máy xử lý rác của huyện mới chỉ đốt được 5 tấn. Còn lại 10 tấn, huyện tiếp tục phải đưa đến đổ tại bãi rác duy nhất này.

[Côn Đảo: Nguy cơ ô nhiễm nặng vì hàng chục nghìn tấn rác thải tồn đọng]

Hằng ngày công nhân phải thường trực thu xếp gọn bãi rác, đốt bớt để lấy chỗ trống đổ rác mới. Không những thế, rác chỉ được đổ thành đống chứ không được chôn lấp nên mùi hôi thối đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho người dân trên đảo luôn thường trực hàng ngày.

Bên cạnh đó, bãi rác đã tồn tại suốt 20 năm nên nước rỉ rác ngấm xuống đất đã bắt đầu tác động đến bãi tắm Bãi Nhát - một bãi tắm đẹp nổi tiếng của huyện Côn Đảo ở sát đó. Năm 2017, tuyến đường biển từ Côn Đảo đi cảng Trần Đề (Sóc Trăng) và ngược lại bằng tàu cao tốc Superdong được mở; tháng 2/2019 thêm tuyến tàu cao tốc từ Vũng Tàu đi Côn Đảo thì lượng khách đến đây tăng đột biến.

Hiện mỗi ngày Côn Đảo đón tới 2.000 lượt khách, bằng 1/5 dân số của toàn đảo nên lượng rác xả ra cũng tăng đáng kể. Thêm vào đó, Côn Đảo là một ngư trường lớn của Việt Nam nên hàng năm luôn có hàng trăm ngàn lượt ghe, tàu đánh bắt hải sản từ các tỉnh phía Bắc đến Cà Mau, Kiên Giang tập trung về đánh bắt hải sản, trú ngụ tại cảng Côn Đảo đã xả một lượng rác rất lớn là ngư lưới cụ, túi nilong, sọt đựng cá, đồ dùng sinh hoạt ra biển, cảng cá.

Rác trôi dạt vào các bãi biển, khu rừng ngập mặn của Côn Đảo ngày một nhiều. Rác bao vây cả trên bờ, dưới biển đang tác động rất tiêu cực đến môi trường, môi sinh của cả con người, sinh vật trú ngụ nơi hòn đảo này, đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh tế mũi nhọn duy nhất mà huyện đảo đang xây dựng và hướng tới.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Nan giải bài toán xử lý rác thải ở Côn Đảo ảnh 1 Bãi rác Bãi Nhát tại Côn Đảo hoạt động trên 20 năm với cách xử lý chủ yếu là chôn lấp (chỉ xử lý đốt được 5/15 tấn rác mối ngày) hiện đã quá tải. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Nan giải tìm “đầu ra” cho rác

Năm 2017, Côn Đảo đón gần 244.000 lượt khách tham quan, tăng hơn 46% so với năm 2016, đạt doanh thu gần 1.166 tỷ đồng (tăng hơn 45% so với 2016). Sang năm 2018, Côn Đảo đón hơn 286.000 lượt du khách, đạt doanh thu hơn 1.317 tỷ đồng (tăng lần lượt hơn 17% về lượng người và gần 13% về doanh thu so với năm 2017).

Tính đến tháng 4/2019, trên địa bàn huyện có hơn 80 cơ sở lưu trú, tăng 74% so với cuối năm 2017 cho thấy ngành du lịch của Côn Đảo đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và đem lại nguồn thu lớn cho một huyện đảo chưa đến 10.000 dân. Tuy nhiên, trước tình trạng rác thải bao vây tứ phía đang khiến Đảng bộ, chính quyền địa phương đứng ngồi không yên tìm giải pháp.

Bên cạnh báo cáo thực trạng về tỉnh, đề nghị hỗ trợ, huyện đã tích cực tìm, mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến cùng huyện “giải bài toán” về rác thải. Nhưng sau một thời gian dài, đến nay, mới chỉ có 2 doanh nghiệp đến đặt vấn đề đầu tư nhà xử lý máy rác.

Nguyên nhân là lượng rác phát sinh hàng ngày của Côn Đảo chỉ khoảng 15 tấn (tương lai tối đa khoảng 40 tấn/ngày) là quá ít, nguồn thu về không đủ chi phí để vận hành nhà máy nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong 2 doanh nghiệp đến đặt vấn đề đầu tư, Công ty Cổ phần sản xuất-thương mại Tân Đa Lộc đề xuất phương án xử lý rác theo công nghệ đốt với công suất 115 tấn/ngày sẽ xử lý lượng rác tồn đọng (hơn 70.000 tấn tại bãi rác) và lượng rác phát sinh hàng ngày trong thời gian khoảng 2 năm 2 tháng. Tuy nhiên, sau khi đốt hết lượng rác tồn đọng, nhà máy sẽ dư công suất.

Bên cạnh đó, vị trí đặt nhà máy tại bãi rác hiện hữu hiện vẫn chưa được quy hoạch; rác hiện vẫn chất đầy nên khó có chỗ đặt nhà máy. Điều quan trọng là đặt nhà máy xử lý rác tại đây sẽ làm mất vị trí hoặc ảnh hưởng đến bãi tắm Bãi Nhát là khu vực rất đẹp để phát triển du lịch.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Minh Phong đề xuất phương án “Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện công suất 40 tấn/ngày” sử dụng công nghệ nhiệt phân-plasma là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Công suất xử lý 40 tấn/ngày là phù hợp với phát triển lâu dài của huyện đảo nhưng nhà máy đặt tại vị trí mới (vị trí huyện quy hoạch là nơi xử lý rác từ trước đó) lại nằm trên phần đất rừng có tới 70% diện tích là đất rừng bảo vệ nghiêm ngặt sẽ rất khó và mất thời gian để hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng nên không thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải rác đã hiện hữu ngay trước mắt.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo cũng đã nghiên cứu, đề xuất phương án đóng, ép rác thành bánh chở về khu xử lý rác KBEC VINA (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để chôn lấp.

Thời gian để xử lý triệt để bãi rác khoảng 6-7 tháng với chi phí 1 triệu đồng/tấn. Phương tiện thi công thuận lợi, việc duyệt đơn giá xử lý rác có khung sẵn nên phương án này nếu tỉnh đồng ý thì thời gian giải tỏa bãi rác sẽ rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án giải quyết được tình trạng rác ứ đọng trước mắt mà chưa đảm bảo được bài toán xử lý rác lâu dài ở đảo. Phương án nào cũng có ưu, khuyết hoặc vướng khó khăn, trong khi phương án mới chưa có nên hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Côn Đảo vẫn đang rất băn khoăn, cân nhắc.

Bài toán xử lý rác, phát triển Côn Đảo đang thực sự nan giải đối với cả tỉnh và huyện Côn Đảo. Việc bảo vệ “bàn thờ của Tổ quốc,” gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử, thúc đẩy kinh tế huyện đảo tiền tiêu của tổ quốc của Côn Đảo đang cần thêm sự chung tay, góp sức hoặc sẵn sàng chịu thiệt của doanh nghiệp, cá nhân tâm huyết từ mọi miền của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục