Bà Rịa-Vũng Tàu: Mục tiêu hết năm 2024 không còn hộ nghèo là đồng bào dân tộc.

Thời gian qua, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã đổi thay toàn diện.
Đường giao thông nông thôn tại thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) được bêtông hóa, khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có gần 9.000 hộ với 26.000 nhân khẩu thuộc 38 dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hoa, Khmer, Tày, Nùng, Chơ Ro… sống xen kẽ với đồng bào Kinh ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu…

Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào đã đổi thay từng ngày, hạ tầng cơ sở, vật chất được đầu tư.

Ngày 10/12/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết số 108/NQ-HĐND về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư hơn 634 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn của Chương trình, trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã bố trí hơn 280 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh, lắp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt; hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đầu tư cơ sở hạ tầng… cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.

Khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Đồng thời, địa phương đã đầu tư 23 công trình giao thông; xây mới 187 nhà ở; sửa chữa 178 nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 218 hộ; hỗ trợ điện sinh hoạt cho 100 hộ; hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo, có nhu cầu chăn nuôi; tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Trước đây, các hộ đồng bào dân tộc Khmer, Chơ ro, Tày ở ấp Gò Sầm, xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) phải đi lại trên những con đường đất; hàng ngày đi gánh nước sông Ray về sử dụng. Nhiều gia đình từng sống trong những căn nhà tạm bợ.

Giờ đây, cuộc sống đã đổi khác. Những con đường được Nhà nước đầu tư trải nhựa hoặc đổ bêtông rộng rãi, thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản. Điện lưới được kéo về tận nhà. Người dân đã xây dựng được nhà kiên cố.

Tại ấp Tân Thuận (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ)-nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất tỉnh, đường điện hạ thế được kéo về tới khu dân cư, tạo thuận lợi cho người dân.

Những con đường bêtông, thảm nhựa khang trang, sạch đẹp giúp mọi người đi lại dễ dàng. Toàn ấp có 134 hộ dân tộc Chơ ro với hơn 500 nhân khẩu. Tất cả gia đình đều có đời sống ổn định, khấm khá, không còn hộ nghèo. Ngoài ra, ấp còn được đầu tư công trình Nhà sinh hoạt đồng bào dân tộc Chơ ro khang trang.

Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ nhấn mạnh đồng bào dân tộc là một phần không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc huyện Đất Đỏ.

Thời gian tới, cùng với chủ trương của Đảng, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương, quan tâm hơn nữa đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình, chính sách để phát triển sản xuất.

Song song với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, năm 2024, tỉnh còn bố trí thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn xây mới và sửa chữa nhà ở, lắp đặt điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất…

Gia đình anh Dương Quốc Khánh (dân tộc Chơ Ro, ngụ thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) là một trong những hộ khó khăn của xã.

Năm 2013, sau khi anh Khánh lập gia đình cũng được bố mẹ cắt cho mảnh đất để ra riêng. Vì cuộc sống khó khăn, công việc lại bấp bênh nên vợ chồng anh Khánh chỉ có thể che, quây tạm vài tấm bạt, mái tôn để trú ngụ.

Đến năm 2023, xét thấy hoàn cảnh gia đình anh Khánh khó khăn, Nhà nước đã hỗ trợ 75 triệu đồng để xây dựng nhà. Có nhà mới an cư, cuộc sống gia đình anh chị cũng bớt vất vả.

“Trước đây gia đình tôi chen chúc trong căn nhà quây bạt, mái tôn nên rất nóng nực. Được hỗ trợ nhà mới, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Gia đình tôi biết ơn các cấp chính quyền đã chăm lo cho đồng bào dân tộc chúng tôi," anh Khánh xúc động chia sẻ.

Với những nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã không còn thôn, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong danh sách địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tất cả xã thuộc vùng đồng bào dân tộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thôn, ấp đông đồng bào dân tộc sinh sống có đường ôtô đến trung tâm được bêtông hóa đạt 97,75%; 99,77% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ dân tộc sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, gần 79% hộ đã sử dụng nước máy). Hộ dân tộc thiểu số có nhà bán kiên cố trở lên chiếm 99%.

Ấp Tân Thuận, xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) là nơi có số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhiều nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Cùng với đó, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc mỗi năm giảm 3,5%. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thời gian qua, công tác dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đồng bào dân tộc thiểu số đã được thực hiện đầy đủ. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang từng bước được cải thiện về nhiều mặt.

Từ những thành quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo là đồng bào dân tộc.

Các hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chính sách an sinh xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không ngừng được nâng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục