Bà Rịa-Vũng Tàu: Khó khăn trong di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị HĐND tỉnh cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư đến hết tháng 6/2025.
Điểm chăn nuôi bò của một hộ dân thuộc thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) nằm ngay sát mặt đường nhựa, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo lộ trình đến ngày 31/12/2024, tất cả các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phải di dời.

Thế nhưng, đến nay số cơ sở nằm ngoài vùng quy hoạch đã di dời và chấm dứt hoạt động rất ít, việc di dời vẫn còn gian nan và bộn bề khó khăn.

Ngày 10/12/2021 Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi trong vùng không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Nghị quyết này, hạn cuối đến 31/12/2024, các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch sẽ phải di dời vào vùng quy hoạch.

Cụ thể là 5.265 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động và 293 nhà yến nằm trong vùng không được phép chăn nuôi sẽ không được cơi nới, sử dụng loa phóng thanh.

Việc làm này nhằm sắp xếp lại khu vực chăn nuôi và xử lý triệt để những trang trại gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư do hoạt động chăn nuôi gây ra.

Vào giữa tháng 8/2024, đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã tiến hành giám sát về việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không quy hoạch. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều cơ sở chăn nuôi chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải.

Nhiều cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải còn sơ sài, mang tính đối phó nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Tuy nhiên, để di dời hoặc chấm dứt hoạt động, nhiều người dân lại kêu khó.

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao đổi với người chăn nuôi tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ngụ ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc hiện đang ở nhà nuôi lợn và dê cho biết: “Hai vợ chồng tôi trước đây làm nghề thợ xây, nhưng hiện nay đã lớn tuổi nên phải nghỉ, không có việc gì làm vợ chồng tôi xoay qua nuôi lợn và dê để có thêm thu nhập, giờ không chăn nuôi chúng tôi không biết làm nghề gì khác. Mọi khoản chi phí của gia đình tôi đều trông cậy vào chăn nuôi. Giờ nếu phải di dời, gia đình không biết dời đàn lợn và dê đi đâu vì không có đất, vốn để đầu tư lại, và chuồng trại cũng không có. Còn sau ngày 31/12/2024, phải ngưng chăn nuôi thì không có thu nhập để lo cho gia đình, trong khi vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi nên muốn chuyển đổi nghề cũng khó.”

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã khảo sát thực tế tại các nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Nhiều người dân sống gần các khu vực nhà nuôi yến cho biết các nhà nuôi yến thường xuyên gây tiếng ồn. Yến bay về thành đàn, phát ra âm thanh ồn ào, cộng thêm âm thanh từ loa dụ chim yến khiến hàng xóm nhức đầu, mệt mỏi.

Không chỉ vậy, phân chim yến bám đầy tường nhà, nóc nhà gây mùi hôi khó chịu. Nhiều người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng người nuôi yến chỉ tắt loa được vài ngày rồi mở lại.

Theo thống kê của Huyện Châu Đức hiện toàn huyện có 1.027 hộ chăn nuôi; 42 cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng không được phép chăn nuôi.

Theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Đức thông tin hiện nay, việc xác định ranh giới khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn còn chậm trễ trong việc lập hồ sơ, tổng hợp chính sách các cơ sở chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi không đồng thuận với việc đăng ký chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc di dời vào vùng quy hoạch.

Hiện huyện Châu Đức vẫn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) chấm dứt hoạt động theo kế hoạch được phê duyệt; phối hợp tổ kiểm kê huyện lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện gửi về Ủy ban Nhân dân huyện và thực hiện quản lý hoạt động chăn nuôi theo quy định.

Tuy nhiên, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Đức cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, gia hạn thời gian chấm dứt hoạt động cho các hộ chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch.

Bởi lý do hiện nay quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mới được phê duyệt. Vì vậy, ranh giới khu vực không được phép chăn nuôi có sự thay đổi. Bên cạnh đó, một số bộ phận hộ chăn nuôi là hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn, người lớn tuổi nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi, nếu yêu cầu chấm dứt chăn nuôi ngay trong năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tại huyện Đất Đỏ cho biết theo lộ trình, năm 2023 huyện sẽ phải thực hiện di dời 50% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Đến cuối năm 2024 hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, trên địa bàn huyện mới có 224/917 cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động, đạt trên 24%, thấp so với lộ trình đề ra. Nguyên nhân là còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận di dời, còn trì hoãn chưa chấp hành việc di dời, chấm dứt hoạt động.

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ kiến nghị Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di dời hoặc chấm dứt hoạt động; gia hạn thời gian di dời, chấm dứt hoạt động đối với các đối tượng là hộ chăn nuôi có vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng, hộ đang hoạt chăn nuôi theo các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hộ có lao động lớn tuổi; đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi thuộc diện di dời được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bà Rịa cũng đề nghị các ngành chức năng liên quan xem xét cho phép duy trì chăn nuôi ở các khu vực có mật độ dân cư thưa, khu quy hoạch chức năng nhưng chưa triển khai thực hiện để các hộ dân có thu nhập ổn định cuộc sống.Trước mắt, thành phố cũng đã tìm hiểu, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn thành phố để hỗ trợ người dân có thể chuyển đổi ngành nghề...

Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ hơn đến các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ về chủ trương cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Trước những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của các địa phương, ông Huỳnh Sơn Thái cũng kiến nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến hết tháng 6/2025.

Đối với những hộ dân thuộc khu vực không được phép chăn nuôi nhưng đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân, chương trình dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc, hộ nghèo... để thực hiện sản xuất chăn nuôi nếu thực sự có lý do khách quan cần kéo dài thời gian chăn nuôi.

Cùng với đó, Sở cũng kiến nghị Hội đồng Nhân dân đồng ý chủ trương cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố sàng lọc, lập danh sách từng trường hợp cụ thể, lấy ý kiến đề xuất của người dân; tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, xin ý kiến giải quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục