Bà Rịa-Vũng Tàu hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả để xuất khẩu

Để nâng cao giá trị cũng như ổn định đầu ra, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng cho cây ăn quả chủ lực.
Vườn sầu riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu như hiện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 10.300ha thì đến hết năm 2022, tổng diện tích này đạt hơn 13.700ha, tăng 3.400ha.

Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích cây ăn quả của tỉnh bắt đầu tăng từ năm 2015 nhưng tăng mạnh nhất từ năm 2018, 2019 đến nay. Nguyên nhân là do giá một số loại cây trồng như cao su, tiêu, điều, càphê... lao dốc nên nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả đem lại thu nhập cao, như bưởi, chuối, xoài, sầu riêng, bơ…

Trước thực trạng diện tích cây ăn quả tăng nhanh, ngoài việc khuyến cáo người dân không ồ ạt mở rộng diện tích, để nâng cao giá trị cũng như ổn định đầu ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân hình thành các vùng chuyên canh, trồng theo tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng cho cây ăn quả chủ lực nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. 

[Ba trục động lực đưa Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển năng động và bền vững]

Tháng 1/2023, Việt Nam đã xuất khẩu lô nhãn đầu tiên sang Nhật Bản với hơn 10 tấn nhãn tươi từ tỉnh Long An. Đây là loại trái cây tươi thứ 4 của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, sau thanh long, xoài cát Chu và vải.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, 2 vùng trồng nhãn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sản xuất Thương mại Vật tư nông nghiệp Thái Lâm - diện tích 11ha và Hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ Nhân Tâm, với diện tích 29,2ha, ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cũng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng xuất sang thị trường này.

Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc cho biết năm 2018, khi 29,5ha nhãn của hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái nhãn đã được xuất đi Trung Quốc.

Đầu năm 2023, hợp tác xã cũng đã hoàn thiện hồ sơ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã vùng trồng để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, với trung bình 12 tấn nhãn tươi/tháng.

Cũng theo ông Hoành, việc được cấp mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nhiều hộ dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh cũng chuyển hướng sản xuất hữu cơ để tiến tới xuất khẩu.

Năm năm qua, anh Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ đã chuyển hướng dần từ canh tác sử dụng phân, thuốc hóa học sang canh tác hữu cơ, vi sinh cho vườn bưởi 5ha của mình.

Anh cùng 5 hộ trồng bưởi trong hợp tác xã, với diện tích 18ha, sản lượng khoảng 540 tấn/năm đã được Cục Bảo vệ thực vật thiết lập hồ sơ để cấp mã vùng trồng.

Theo ông Kha, để được thiết lập mã số vùng trồng, trước hết phải thay đổi phương thức sản xuất, sản phẩm phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Do đó, những năm qua, ông và các hộ trong hợp tác xã đã dần chuyển đổi sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ.

Đồng thời, ông thực hiện ghi chép nhật ký cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký thương hiệu nhãn hiệu… Nhờ đó, hiện 18ha bưởi đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Năm 2019, Công ty cổ phần cao su Thống Nhất đã chuyển đổi 167ha cao su không hiệu quả tại huyện Châu Đức sang trồng chuối già Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao.

Đến năm 2022, toàn bộ diện tích này được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Hiện, 80% sản phẩm chuối của công ty đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, còn lại 20% tiêu thụ trong nước. Sản lượng xuất khẩu khoảng 6.000 tấn/năm, lợi nhuận đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm.

Bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Công ty cổ phần cao su Thống Nhất cho biết để đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản, ngay từ khi lập dự án đầu tư, công ty cũng đã cùng lúc tiến hành làm các thủ tục đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Hiện toàn tỉnh đã thiết lập được 12 vùng trồng trái cây được cấp mã, chủ yếu là chuối, nhãn, bưởi, với tổng diện tích 528,2ha, sản lượng ước trên 10.730 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 cơ sở đóng gói nông sản đã được cấp mã.

Vườn thanh long tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu là có nhưng để tiến đến xuất khẩu người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác, sản xuất phải có chứng nhận, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Do đó, thời gian tới, công tác mời gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ được đẩy mạnh và triển khai mô hình, đào tạo tập huấn cho bà con để tạo các vùng nguyên liệu tiến tới phục vụ xuất khẩu.

Tiếp tục triển khai chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh như thanh long, sầu riêng...

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là những giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây tươi của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục