Bà Rịa-Vũng Tàu: Gỡ khó về giải phóng mặt bằng trong các dự án vốn đầu tư công

Tổng vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 20.200 tỷ đồng; tính đến ngày 29/2, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.409 tỷ đồng, đạt 13,59% so với kế hoạch năm.
Thi công dự án Cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù, thị trấn Phước Hải (Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngay từ đầu năm 2024, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã dồn lực gỡ khó về khâu bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai cho kịp tiến độ đề ra.

Năm 2024, thành phố Vũng Tàu là địa phương có số dự án và số vốn đầu tư công được phân bổ đứng thứ 2 của tỉnh sau thị xã Phú Mỹ, với 135 dự án, 1.919 tỷ đồng cả vốn đầu tư ngân sách của tỉnh và thành phố.

Số vốn đầu tư công lớn và dự án nhiều là thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương, nhất là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu của năm 2024, thành phố Vũng Tàu đã phải tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tại huyện Đất Đỏ, trong năm 2024, vốn đầu tư công được phân bổ là 73 dự án, với 778 tỷ đồng; trong đó, có 9 dự án, với 351 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và 64 dự án với 427 tỷ đồng vốn ngân sách huyện. Có 12 dự án khởi công mới năm 2024.

Tại địa phương này, khâu bồi thường giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện Đất Đỏ thấp so với mặt bằng chung của tỉnh cũng do gặp khó trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cụ thể như dự án Công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, theo kế hoạch đến tháng 6/2024 dự án này sẽ khởi công, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Thế nhưng, hiện nay khâu bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự đồng thuận di dời của người dân do đây là vị trí đất đẹp, các hộ dân sinh sống, kinh doanh lâu đời nên họ băn khoăn khi di dời đi nơi khác thì ảnh hưởng đến công việc làm ăn, không còn thuận lợi như chỗ cũ.

Khi người dân bàn giao hết mặt bằng, dự kiến cuối năm 2024 gói thầu xây dựng 63 của dự án Cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) sẽ hoàn thành. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết để có đất sạch bàn giao cho đơn vị thi công, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Vũng Tàu được Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Ban quản lý dự án xây dựng cùng Ủy ban Nhân dân các phường, xã triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm 2024. Đối với từng dự án cụ thể, các đơn vị này đã triển khai đi đến từng gia đình làm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân; vận động, tuyên truyền, giải thích rõ ràng để người dân hiểu về tầm quan trọng, lợi ích của các công trình, dự án mang lại.

Các đơn vị liên quan đã đặc biệt quan tâm đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định, đồng thời chú trọng đến giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân, gỡ vướng về đơn giá, phương án tái định cư… để họ yên tâm giao mặt bằng triển khai dự án theo đúng tiến độ.

Hiện Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu cũng đang khẩn trương thực hiện thủ tục lập quy hoạch một số khu tái định cư quy mô lớn như: Khu đô thị Phước Thắng, khu 24ha, Khu tái định cư Long Sơn để tạo quỹ đất tái định cư mới phục vụ các dự án chỉnh trang trên địa bàn tỉnh.

Với những nỗ lực đó, tính đến cuối tháng 2/2024, vốn ngân sách tỉnh, thành phố Vũng Tàu đã giải ngân được gần 11%, vốn ngân sách địa phương đã giải ngân được 16,17% kế hoạch vốn năm 2024.

Xác định khâu then chốt và khó khăn nhất trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Đất Đỏ là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thế nên, ngay từ đầu năm huyện đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã với sự phối hợp nhịp nhàng, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, nơi gần dân, sát dân nhất nhằm tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng; hạn chế đến mức thấp nhất việc phải ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Đối với dự án có tầm quan trọng như Công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện cùng địa phương đã đến từng nhà giải thích, tuyên truyền, vận động cho dân hiểu.

Cùng đó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân để ghi nhận, xem xét giải quyết thấu tình đạt lý để người dân yên tâm bàn giao mặt bằng.

Điển hình như dự án Cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù, thị trấn Phước Hải dài 5,5km. Nhờ thực hiện chiến lược “mưa dầm thấm lâu,” nhiều lần cán bộ phải tới từng hộ dân tuyên truyền, vận động, giải thích nên người dân đã dần đồng thuận, ủng hộ việc thực hiện dự án.

Đến nay, trong tổng số 481 hộ có đất bị thu hồi thì chỉ còn 17 hộ là chưa bàn giao mặt bằng. Hiện, số hộ dân này đang được các cấp các ngành liên quan tiếp tục vận động để khẩn trương hoàn tất các thủ tục, bàn giao mặt bằng.

Anh Huỳnh Trung Nghĩa, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công gói thầu 63 đoạn từ km3+51 dự án Cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù thị trấn Phước Hải chia sẻ nhờ có mặt bằng sạch nên hiện gói thầu số 63 đã triển khai được khoảng 60% khối lượng công việc.

Theo kế hoạch, giữa năm 2025 dự án đưa vào khai thác vận hành nhưng với tiến độ hiện nay, chỉ đến cuối năm 2024 gói thầu sẽ hoàn thành, vượt tiến độ kế hoạch đề ra.

Ông Cam Quốc Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đất Đỏ cho biết ngay từ đầu năm, địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện tốt việc giám sát đầu tư nhằm góp phần nâng cao vai trò nhận thức cộng đồng trong tham gia chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nhằm phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Để bứt tốc hơn nữa, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, huyện Đất Đỏ đang nỗ lực thúc đẩy, tập trung chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đang gặp khó khăn để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Tổng vốn đầu tư công trong năm 2024 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến nay là hơn 20.200 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương là 1.260 tỷ đồng; các dự án tỉnh quyết định đầu tư là hơn 13.100 tỷ đồng; các dự án huyện quyết định đầu tư là hơn 5.800 tỷ đồng.

Tính đến ngày 29/2, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.409 tỷ đồng, đạt 13,59% so với kế hoạch năm và tăng 15,98% so với cùng kỳ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, đối với dự án, công trình trọng điểm, giao thông kết nối, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, xác định rõ mốc thời gian của từng công việc để bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm và phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục