Bà Rịa-Vũng Tàu đón tàu container lớn nhất thế giới Margrethe Maersk

Tàu Margrethe Maersk có chiều dài hơn chiều cao của tháp Eiffel, bằng 5,5 lần máy bay Airbus A380, nếu xếp 18.000 container 20 feet khi tàu chở đầy thành một hàng thì chiều dài lên đến trên 100km.
Bà Rịa-Vũng Tàu đón tàu container lớn nhất thế giới Margrethe Maersk ảnh 1Siêu tàu chở container Margrethe Maersk chuẩn bị cập cảng CMIT. (Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN)

Vào lúc 15 giờ ngày 25/10, siêu tàu chở container Margrethe Maersk đã cập thành công vào Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT, cảng liên doanh giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tàu container Margrethe Maersk là một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải 214.121 DWT, sức chở hơn 18.300 TEU, dài gần 400m, rộng 59m.

Ước tính, với kích thước này, tàu Margrethe Maersk có chiều dài hơn chiều cao của tháp Eiffel, bằng 5,5 lần máy bay Airbus A380. Nếu xếp 18.000 container 20 feet khi tàu chở đầy thành một hàng thì chiều dài lên đến trên 100km.

Tàu container Margrethe Maersk đang được liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới 2M khai thác trên tuyến dịch vụ đi bờ Tây Mỹ hàng tuần.

Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.

[Việt Nam hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển]

Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 tấn hạ tải cập cảng cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia... giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.

Do vậy, đây là một bước phát triển lớn của ngành hàng hải để chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho tiềm năng tăng trưởng của ngoại thương Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục