Bà Rịa-Vũng Tàu: Địa điểm thu hút dự án công nghiệp hóa chất

Giám đốc Sở Công Thương cho biết tỉnh định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Địa điểm thu hút dự án công nghiệp hóa chất ảnh 1Một góc khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quá trình phát triển khá dài, nhất là từ khi có sự hiện diện của ngành khai thác dầu khí.

Công nghiệp hóa chất đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến nay tỉnh đã thu hút được 30 dự án công nghiệp hóa chất trong các khu công nghiệp. Trong số 30 dự án này, có đến 21 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và liên danh, với tổng vốn đầu tư đăng ký 646,5 triệu USD; 9 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 13.270 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong hầu hết các ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất như khí công nghiệp, khí y tế, chất nhuộm và chất màu, hóa chất vô cơ, hóa chất hữu cơ, phân bón, nhựa nguyên sinh (hạt)….

Công nghiệp hóa chất đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, 10 năm qua chỉ xếp sau 2 ngành chế biến nông lâm thủy sản và luyện kim. Công nghiệp sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất là ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư sôi nổi nhất trong cụm ngành hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có các dự án công nghiệp hóa chất thu hút đầu tư từ các nguồn vốn như Nhà máy tách khí công nghiệp của Công ty Cổ phần Nippon Sanso Việt Nam, với 38,50 triệu USD; Dự án sản xuất phân bón của Công ty Behn Meyer Agricare Holdings, với 27,20 triệu USD; Dự án nâng công suất phân xưởng NH3 và nhà máy sản xuất phân NPK công nghệ hóa học của Nhà máy đạm Phú Mỹ với 4.987 tỷ đồng; Dự án sản xuất vôi và dolomit, vôi ngậm nước với hơn 421,5 tỷ đồng…

Đặc biệt, tỉnh còn có 2 dự án lớn trong lĩnh vực hóa chất đó là Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD và dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa chất Hyosung Vina, có tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhiều cụm công nghiệp chưa đi vào hoạt động]

Năm 2021, Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Tập đoàn Hóa chất HyosungVina (Hàn Quốc) đầu tư đi vào hoạt động.

Dự án có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, bao gồm tổ hợp nhà máy sản xuất Polypropylene 1 và 2, công suất 300.000 tấn/năm/nhà máy; Bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 tấn; Nhà máy sản xuất Propylene và Ethylene, công suất 600.000 tấn/năm và kho ngầm LPG sức chứa 240.000 tấn. Các nhà máy trên chuyên sản xuất Polypropylene, Ethylene, Propylene... dùng cho sản xuất phụ tùng ô tô, đồ nhựa gia dụng chất lượng cao, y tế.

Dự án lớn này sẽ giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa. Mặt khác, dự án còn tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu.

Ngoài công nghiệp hóa dầu, nhiều doanh nghiệp sản xuất hoá chất khác cũng liên tục đổ về Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư xây dựng nhà máy. Hóa chất dùng cho ngành giấy là một ví dụ.

Đầu tháng 11/2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn SEIKO PMC Việt Nam (100% vốn của Nhật Bản) đã đưa nhà máy sản xuất các loại hóa chất ngành giấy đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ với tổng công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm.

Sản phẩm là những hóa chất ưu việt không chỉ tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng giấy cho ngành công nghiệp sản xuất bìa giấy và giấy tái chế, mà còn giảm được ảnh hưởng xấu gây tác hại đến môi trường. Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại và được thiết kế mở theo chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường, do có thể giảm tải lượng nước thải một cách đáng kể.

Ông Kawasumi Koichi, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn SEIKO PMC Việt Nam chia sẻ: "Công ty sử dụng những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm đã trau dồi trong nhiều năm tại Nhật Bản để sản xuất các hóa chất phục vụ ngành công nghiệp giấy đang phát triển tại Việt Nam nói chung và nền kinh tế địa phương nói riêng. Doanh nghiệp mong muốn sản phẩm sẽ hỗ trợ tốt cho các nhà máy giấy trong tỉnh và khu vực."

Bà Rịa-Vũng Tàu: Địa điểm thu hút dự án công nghiệp hóa chất ảnh 2Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất của Tập đoàn Hóa chất HyosungVina, Hàn Quốc ở Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Với sự ra đời của nhà máy kể trên, doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên chính là các nhà máy sản xuất giấy trong khu vực và trong tỉnh, bởi họ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ để mua các nguyên liệu phụ trợ này ngay tại địa phương, so với trước đây phải đặt mua từ nước ngoài về.

Nhóm ngành vật liệu xây dựng cũng đã có những doanh nghiệp hóa chất nước ngoài tìm đến Bà Rịa-Vũng Tàu để đầu tư xây dựng nhà máy. Các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ tiên tiến, nguyên liệu của nước ngoài sản xuất và xuất bán ra thị trường Việt Nam.

Việc sản xuất các sản phẩm này trong nước có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng vì thông thường họ phải nhập khẩu với chi phí đắt đỏ. Khi có các sản phẩm hóa chất tiêu chuẩn nước ngoài ngay trên thị trường trong nước, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam giảm bớt các chi phí nhập khẩu và chủ động thời gian, vốn dự trữ.

Xưởng sản xuất của Công ty Zirtec ở Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức, nơi có quy mô sản xuất bột Zircon lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với công suất 30.000 tấn/ năm. Đây là một phụ gia quan trọng trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá hoa cương.

Ông Choi Wansik, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zirtec ở Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức, cho biết công ty sử dụng nguồn nguyên liệu quý từ Hàn Quốc và xuất bản sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Với chất lượng tương đương với hàng nhập khẩu, khách hàng Việt Nam sẽ tiết kiệm được chi phí tối đa mà vẫn có nguồn phụ gia đúng chuẩn như đã nhập khẩu từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh đang khai thác tối đa tiềm năng, đẩy mạnh thu hút nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất trong và ngoài nước đến đầu tư các dự án quy mô lớn, hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn.

"Quan điểm về đầu tư của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động. Việc thu hút các dự án hóa chất phải tuân theo các quy định của pháp luật, cũng như các quy chế, quy định của địa phương.

Các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trong các khu công nghiệp, có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Đặc biệt, hình thành các khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu, các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn," ông Nguyễn Văn Đồng chia sẻ thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục