Bà Rịa-Vũng Tàu có 24 mã vùng trồng xuất khẩu và 68 mã vùng trồng nội địa

Trong các mã vùng trồng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện chỉ có chuối là xuất khẩu ổn định, thường xuyên nhất so với các loại trái cây khác.
Công nhân chăm sóc chuối tại trang trại chuối già Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao, Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 mã vùng trồng xuất khẩu, 3 mã đóng gói chuối xuất khẩu và 68 mã vùng trồng nội địa, tăng 33 mã vùng trồng so với năm 2023.

24 mã vùng trồng, với 43 mã số, diện tích hơn 1.021ha, sản lượng 27.454 tấn, số hộ tham gia là 213 hộ và 3 mã đóng gói chuối xuất khẩu; trong đó các mã vùng trồng xuất khẩu trái cây đi các thị trường Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc... Các loại trái cây bao gồm chuối, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, thanh long.

Ngoài việc xây dựng các mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang xây dựng các mã vùng trồng phục vụ tiêu thụ thị trường nội địa.

Trên địa bàn tỉnh đã có 68 mã số vùng trồng nội địa với diện tích 107ha trên các loại cây trồng: lúa, rau các loại, ca cao, tiêu, nhãn xuồng, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng, khoai môn, khoai mài...

Trong các mã vùng trồng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện chỉ có chuối là xuất khẩu ổn định, thường xuyên nhất so với các loại trái cây khác.

Kỹ sư nông nghiệp kiểm tra quá trình sinh trưởng của chuối. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Vừa qua, Cục Bảo vệ Thực vật ban hành văn bản về việc vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo văn bản này, Bà Rịa-Vũng Tàu được mở rộng thêm diện tích, sản lượng chuối xuất khẩu thêm 102ha và 6.135 tấn/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có 5 vùng trồng chuối xuất khẩu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (2 vùng), Châu Đức (3 vùng) với diện tích 672ha, sản lượng 20.795 tấn/năm, với 8 mã số đi thị trường Trung Quốc.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để duy trì mã số xuất khẩu, các vùng trồng cần áp dụng sản xuất nông nghiệp VietGAP, an toàn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát, để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, các vùng trồng cần viết nhật ký điện tử trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Nhật ký đang được sử dụng miễn phí. Trường hợp các vùng trồng không duy trì viết nhật ký lên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia từng vụ sản xuất và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật giám sát định kỳ hằng năm thì khi thực hiện khai báo hải quan và làm chứng thư kiểm dịch sẽ không được thông qua.

Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật… mà còn xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục