Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản và thủy sản

Một số cửa khẩu tạm đóng cửa khiến tình hình tiêu thụ mặt hàng trái cây, thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, không tiêu thụ được, giá cả xuống thấp hơn nhiều so thời điểm trước đây.
Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản và thủy sản ảnh 1Thu hoạch cá tại ao nuôi. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 11/6, tại cuộc họp với sở, ngành về các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh gấp rút hoàn thành bản cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản và thủy sản để các sở, ngành, địa phương ký cam kết thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân.

Mặt khác, ông Nguyễn Công Vinh cũng đề nghị các huyện, thị, thành phố phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân chỉ đạo các địa phương rà soát thống kê lại toàn bộ sản lượng nông sản, thủy sản, trên cơ sở số lượng đó phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động tham gia người dân, công nhân, viên chức, người lao động mua hỗ trợ những sản phẩm đang đến mùa vụ mà không tiêu thụ được.

Đặc biệt, các địa phương linh hoạt, rà soát các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện, thị, thành phố hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân…

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông dân trồng điều thêm một mùa vụ thất thu]

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, một số cửa khẩu tạm đóng cửa khiến tình hình tiêu thụ nông sản của nông dân cả nước nói chung và một số mặt hàng trái cây, thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, không tiêu thụ được, giá cả xuống thấp hơn nhiều so thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Cụ thể, giá sầu riêng bán tại vườn chỉ còn từ 27-29.000 đồng/kg, sầu riêng hạt lép Ri6 là 50.000 đồng/kg, bơ 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 5-7.000 đồng, thanh long ruột trắng chỉ còn 1.000 đồng/kg, xoài có giá từ 5-10.000 đồng/kg, giảm 25-30.000 đồng/kg…

Các loại thủy sản nước ngọt cũng chỉ còn từ 40-45.000 đồng/kg, giảm từ 15-20.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái; thủy sản nuôi lồng bè hiện còn tồn 200 tấn cá, với giá chỉ còn từ 110-200.000 đồng/kg giảm từ 20-50.000 đồng so với giá trước khi có dịch; hàu còn tồn 1.500 tấn, giá chỉ còn từ 13-25.000đồng/kg, giảm khoảng 7.000 đồng/kg so với trước khi có dịch và tôm kẹt còn tồn 12 tấn, giá cũng  chỉ còn từ 700-900.000 đồng/kg, giảm 400.000 đồng/kg so với thời điểm trước dịch.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề ra các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản và thủy sản của tỉnh.

Đến nay, ngành nông nghiệp đã và đang rà soát, nắm bắt và tiếp nhận thông tin các sản phẩm nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ.

Sau khi có đầy đủ thông tin, ngành sẽ kích hoạt các điểm tiêu thụ nông sản an toàn thông qua việc cung cấp thông tin, kết nối tiêu thụ tại các đơn vị Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội chế biến rau quả, các ngành hàng Việt Nam, gửi văn bản phối hợp tiêu thụ với các hội, đoàn thể.

Bên cạnh đó, ngành thông báo và đăng ký nhu cầu mua sản phẩm đến các tổ chức công đoàn, công chức, viên chức, người lao động, nhà hàng, bếp ăn tập thể trong tỉnh; bán hàng qua các kênh tiêu thụ điện tử, giao hàng tận nơi.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu sơ chế, chế biến, bảo quản đông lạnh để cung cấp cho các kênh phân phối hiện đại, các ăn bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề ra giải pháp về lâu dài như: áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp: thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu về quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… để đưa lên website của Sở, cung cấp thường xuyên cho hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối lớn để kết nối tiêu thụ với các cơ sở sản xuất nông, thủy sản của tỉnh.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh sẽ phát triển các chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm có sự quản lý chặt chẽ từ yếu tố đầu vào đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ.

Đồng thời, triển khai tốt việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, trong đó ưu tiên xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục