Ba phương án kết nối TP Hồ Chí Minh với Sân bay Long Thành bằng đường thủy

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và đề xuất ba phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Sân bay Long Thành.

Toàn cảnh Nhà ga hành khách Sân bay Long Thành trong quá trình thi công. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
Toàn cảnh Nhà ga hành khách Sân bay Long Thành trong quá trình thi công. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn chỉnh dự thảo báo cáo đề xuất ba phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Đầu tháng 4/2024, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm đã họp nghe báo cáo kết quả rà soát kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành khi đưa vào khai thác năm 2026.

Trên cơ sở đó, các đơn vị thuộc Sở được giao rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa, đề xuất các phương án vận tải hành khách bằng đường thủy (như mô hình buýt sông, tuyến vận tải bằng tàu cao tốc) để kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Sân bay Long Thành.

Sau đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức khảo sát phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Sân bay Long Thành.

Đoàn khảo sát có đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Đồng Nai; Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III; Trung tâm Quản lý Đường thủy, Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh, cùng một số doanh nghiệp vận tải đường thủy.

Qua khảo sát nhiều phương án kết nối khác nhau, cũng như trên cơ sở ý kiến thống nhất của Đoàn khảo sát, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và đề xuất ba phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Sân bay Long Thành.

Phương án 1, vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc từ Bến tàu Bạch Đằng (Thành phố Hồ Chí Minh) đến Bến du thuyền SwanBay (Đồng Nai). Phương án này có thời gian di chuyển bằng đường thủy và bằng đường bộ đều ngắn. Đường bộ kết nối đến sân bay Long Thành sẵn có, thông qua Lý Tự Trọng, Nguyễn Hữu Cảnh, ĐT.769C (25B), Quốc lộ 51.

Trong tương lai, đoạn Vành đai 3 từ Cao tốc Long Thành-Dầu Giây qua sông Đồng Nai giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển so với tuyến đường hiện có. Ngoài ra, tuyến có thể kết hợp để hành khách đến tham quan sản phẩm du lịch tại khu vực SwanBay, phát triển du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương án 2, vận chuyển hành khách và ôtô bằng bến khách ngang sông từ Bình Khánh, Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) qua Nhơn Trạch (Đồng Nai). Phương án này sẽ xây dựng mới cầu bến phía Nhơn Trạch và đầu tư khoảng 500m đường vào bến.

Phương án này giúp người dân sống ở khu vực phía Nam, Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh di chuyển đến Sân bay Long Thành thuận lợi. Kết nối đường bộ qua đường Phạm Thái Bường, đường ĐT.769D (25C) đến sân bay khoảng 24,75km. Vị trí dự kiến đầu tư xây dựng mới cầu bến phía Nhơn Trạch cũng có kết nối đường bộ thuận lợi.

Trong khi đó, phương án 3 là tăng công suất khai thác phà Cát Lái hiện hữu. Phương án này giúp người dân sống ở khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh di chuyển đến Sân bay Long Thành được thuận lợi trong thời gian chưa triển khai xây dựng cầu Cát Lái. Kết nối đường bộ thuận lợi do đã có hạ tầng giao thông.

Trên cơ sở các phương án này, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị chỉ đạo rà soát, góp ý về các phương án; đóng góp đảm bảo tính khả thi, có luận cứ cụ thể để Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật vào các quy hoạch đang triển khai làm cơ sở triển khai thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục