Bà Park Geun-Hye từ chối làm chứng tại phiên xét xử lãnh đạo Samsung

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tiếp tục từ chối xuất hiện làm chứng tại phiên tòa xét xử người thừa kế của Tập đoàn Samsung với lý do sức khỏe yếu.
Bà Park Geun-Hye từ chối làm chứng tại phiên xét xử lãnh đạo Samsung ảnh 1Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (phải, trước) tại Tòa án trung tâm quận Seoul ngày 23/5. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 19/7, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tiếp tục từ chối xuất hiện làm chứng tại phiên tòa xét xử người thừa kế của Tập đoàn Samsung với lý do sức khỏe yếu.

Luật sư của bà Park cho biết bà không thể xuất hiện tại tòa là do bị kiệt sức và đau chân sau khi liên tục phải tham gia các phiên xét xử với tần suất 4 ngày/tuần và kéo dài tối đa 10 giờ dưới thời tiết oi bức.

Bà Park hiện bị giam giữ trong trại tạm giam và cũng phải tham gia phiên tòa riêng rẽ xét xử chính bản thân bà này.

[Triều Tiên cảnh báo tuyên án tử hình cựu tổng thống Hàn Quốc]

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần qua, cựu Tổng thống Hàn Quốc từ chối thực hiện lệnh triệu tập của tòa án để lấy lời khai tại phiên xét xử Phó Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung, Lee Jae-Yong.

Ông Lee bị cáo buộc đưa hối lộ, tham nhũng, khai man và một số vi phạm khác có liên quan tới vụ bê bối chính trị làm rúng động Hàn Quốc hồi năm 2016 xoay quanh bà Choi Soon-sil, một người bạn thân cận của bà Park Geun Hye.

Bà Choi bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park khi đó để ép các công ty trong nước "quyên góp" gần 70 triệu USD vào hai quỹ mờ ám do bà này thành lập, sử dụng một phần quỹ vào mục đích cá nhân.

Vụ bê bối này chính là lý do khiến bà Park Geun Hye bị phế truất.

Samsung, hãng điện tử lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu bằng 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội của nước này, là mạnh thường quân chính của các quỹ mờ ám kể trên.

Việc Phó Chủ tịch Lee Jae-Yong bị bắt giữ đã gây chấn động lớn trong nội bộ Tập đoàn Samsung, đồng thời buộc tập đoàn này phải cải tổ phương thức quản lý.

Vụ việc cũng khiến Samsung phải hứng chịu nhiều chỉ trích về cách thức quản lý khi ưu tiên bổ nhiệm những thành viên trong gia đình bất chấp việc những người này có thể đã có những việc làm ảnh hưởng tới hình ảnh của tập đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục