Ba năm xã hội học tập: Mạng lưới giáo dục cộng đồng phát triển mạnh

Sau 3 năm triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi.
(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 13/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2015) thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.

Tại hội nghị, báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết sau 3 năm triển khai Đề án, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và đưa vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục thường xuyên nói riêng được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi. Các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng đã từng bước tham gia cung ứng giáo dục.

Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 37 tỉnh, thành phố đã có quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học đạt tỷ lệ 72,6%.

Theo báo cáo từ các địa phương, mỗi năm có hàng trăm nghìn cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ.

Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã có hơn 50,6 triệu lượt người tham gia học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng và các thiết chế văn hóa giáo dục khác với nhiều nội dung phong phú như: pháp luật, sức khỏe, môi trường, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn cũng như những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai Đề án.

Cụ thể, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã hội học tập vẫn còn hạn chế; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, thiếu cụ thể; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức.

Năng lực của một số cơ sở giáo dục thường xuyên còn hạn chế; công tác khảo sát, điều tra nắm bắt nhu cầu của người học chưa thường xuyên; nội dung giáo dục chưa đa dạng; nhiều cán bộ cấp huyện, cấp xã của một số địa phương vùng miền núi phía Bắc chưa đạt trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định.

Việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập còn hạn chế; nhiều tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, dự án và nguồn ngân sách chi thường xuyên của các cơ quan đơn vị...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao kết quả đã đạt được sau 3 năm triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động và mọi tầng lớp nhân dân.

Song để duy trì bền vững các thành tựu đã đạt được và phát triển hơn nữa, các cấp các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện mạnh mẽ Đề án gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, cần tập trung đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Các địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng chính sách để tạo nguồn kinh phí nhằm thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động thư viện trường học, thư viện công cộng; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm khuyến khích học sinh đọc sách; rèn luyện thói quen đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục