Sau 3 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng.
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng. Quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng.
Đó là nhận định chung các đại biểu tham dự hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Ngân hàng Nhà nước và báo Lao Động tổ chức chiều 5/10 tại Hà Nội.
Giảm 17 tổ chức tín dụng
Tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254 trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì vị trí chủ đạo, đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, luôn đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng.
Phó Thống đốc cho biết thêm, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Trong giai đoạn 2012-2013, 8 ngân hàng yếu kém (gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, TienphongBank, Navibank, TrustBank và Western Bank) đã từng bước thực hiện phương án cơ cấu lại thông qua các giải pháp sáp nhập, hợp nhất hoặc tự tái cơ cấu bằng chính nguồn lực của ngân hàng.
Trong 2 năm 2013-2014, hệ thống ngân hàng giảm 5 tổ chức tín dụng thông qua mua bán và sáp nhập, giải thể, rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và mở đầu cho làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng trong năm 2015. Trong năm 2015, tiếp tục có thêm những thương vụ hợp nhất điển hình là sáp nhập giữa BIDV-MHB, Maritime Bank, sắp tới là VietinBank-PGBank.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng yếu kém không nhằm tạo thêm và duy trì lâu dài ngân hàng thương mại Nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận mà là nhằm cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.
Tái cơ cấu là “điểm sáng”
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng khẳng định, 4 năm tái cơ cấu là 4 năm vượt khó của hệ thống ngân hàng, đẩy lùi nguy cơ sụp đổ hệ thống. Đây là điều không thể phủ nhận. Thanh khoản của hệ thống được cải thiện, huy động vốn từ 2011 đến nay tăng khoảng 90%. Tín dụng thời điểm hiện nay so với cuối tháng 12/2011 đã tăng 54%. Mặt bằng lãi suất đã giảm từ 17-20% năm 2011 xuống còn 7-11% thời điểm hiện nay.
Theo đánh giá của tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lần tái cấu trúc thứ nhất chủ yếu xử lý nợ xấu trong ngân hàng quốc doanh. Lúc bấy giờ, biện pháp chủ yếu là xóa nợ. Lần thứ 2 phức tạp hơn vì cấu trúc ngân hàng nhiều thành phần hơn. Chính phủ có đề án tương đối quy mô với thời hạn tương đối kéo dài là 5 năm.
"Sau 3 năm nhìn lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định, thị trường vàng, hối đoái về căn bản ổn định, lòng tin của những người gửi tiền được củng cố. Đây có thể coi là thành công bước đầu vô cùng quan trọng để chống lại cú sốc thanh khoản xảy ra vào thời điểm trước," ông Nghĩa nhận định.
Ông Lê Xuân Nghĩa nhận định thêm, về xử lý sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống ngân hàng cũng đã được tiến bộ ban đầu. Các ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với hệ thống quốc tế.
Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho rằng, 3 năm là rất ngắn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã bước một bước rất dài, đạt thành tựu lớn về quản lý kinh tế, tiền tệ, chinh phục đỉnh cao phức tạp: Lạm phát, lãi suất, tỷ giá, vàng, mua ngân hàng với giá 0 đồng.
Về chính sách mua ngân hàng với giá 0 đồng, ông Hưởng cho hay, đây là một sáng kiến chưa có tiền lệ. Kể cả ở Mỹ, người ta bỏ tiền ra cứu các ngân hàng nhưng Việt Nam không dùng tiền ngân sách.
“Việt Nam đã mua ngân hàng với giá 0 đồng, tức là 'đánh chuột nhưng không vỡ bình', đánh chính vào các hội đồng quản trị, cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc, tiền của dân không mất, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm,” ông Hưởng bình luận.
Để quá trình tái cấu trúc thành công hơn nữa, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất: Muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công đòi hỏi phải có những cải cách pháp lý sâu rộng gắn liền với các cấu phần khác của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế như tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách hành chính.
Còn ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, "Một số ngân hàng khác hiện nay đang nằm trong tình trạng nỗ lực tự tái cấu trúc. Chưa bao giờ các ngân hàng thương mại tự cảm thấy trách nhiệm của mình đối với an toàn hệ thống được đẩy lên hàng đầu như hiện nay. Hầu hết họ có lo lắng thực sự chứ không phải như trước đây làm qua loa rồi báo cáo."
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tái cơ cấu là một quá trình thường xuyên liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức để hướng đến một hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các để vừa xử lý các ngân hàng yếu kém vừa hình thành lên các tổ chức tín dụng có quy mô, năng lực cạnh tranh lớn hơn.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả; triển khai các giải pháp kiểm soát và xử lý vấn đề sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn của tổ chức tín dụng./.