Ba năm RCEP có hiệu lực: Khẳng định vai trò trong nền kinh tế mở

RCEP bao gồm 15 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Logo biểu tượng của các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). (Ảnh: CGTN/TTXVN)
Logo biểu tượng của các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). (Ảnh: CGTN/TTXVN)

Ngày 1/1/2025 đánh dấu tròn 3 năm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực và được thực thi.

Các chuyên gia đánh giá cao vai trò của hiệp định này trong việc tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng khu vực, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên và đối tác toàn cầu tăng cường hợp tác để xây dựng nền kinh tế thế giới mở.

RCEP bao gồm 15 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, RCEP đã góp phần đẩy mạnh hợp tác khu vực và chia sẻ lợi ích chung.

Theo Phó Giáo sư Chaipong Pongpanich của Trường Quản lý Sasin thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), các quốc gia ASEAN và Trung Quốc có ngành công nghiệp bổ sung cho nhau, việc thực hiện RCEP mang lại cơ hội thị trường lớn cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Ví dụ, với việc các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, xoài của Thái Lan được tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách thuận tiện hơn, nông dân Thái Lan liên tục hưởng lợi, trong khi các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc tích cực mở rộng thị trường tại Thái Lan, mang lại công nghệ tiên tiến, thúc đẩy việc làm địa phương, hỗ trợ Thái Lan hình thành chuỗi sản xuất xe điện hoàn chỉnh hơn.

Theo chuyên gia này, việc thực hiện RCEP làm cho sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc trở nên chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, việc thực thi hiệp định này đang đối mặt với một số rào cản, nhất là chủ nghĩa bảo hộ. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản thuế quan sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế, phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu và mang lại rủi ro cho nền kinh tế cũng như hòa bình và ổn định trên thế giới.

Theo đánh giá của ông Andrew Robb - cựu Bộ trưởng Thương mại, Đầu tư và Du lịch Australia, chủ nghĩa bảo hộ chưa bao giờ hiệu quả mặc dù có một số quan điểm cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ bảo vệ việc làm, nhưng cuối cùng lại kìm hãm tăng trưởng.

Cùng quan điểm trên, Remy Davison - giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Monash (Australia) cũng cho rằng việc một số quốc gia thiết lập rào cản thuế quan có vẻ như có thể khiến một phần năng lực sản xuất công nghiệp quay trở lại, nhưng thực tế sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của quốc gia đó, đẩy lạm phát tăng cao và cuối cùng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo nhà kinh tế trưởng Hidetoshi Tashiro của Infinity LLC (Nhật Bản), các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương nên hợp tác với nhau và chứng minh sự thành công mà thương mại tự do mang lại, qua đó bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu và xây dựng nền kinh tế thế giới mở.

Chuyên gia Tada Hiroshi, kinh tế trưởng của General Partnership Nhật Bản, cho rằng để bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu, xây dựng nền kinh tế thế giới mở cửa và bao trùm, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nên cùng nhau nỗ lực, thông qua việc thúc đẩy thịnh vượng của tự do thương mại khu vực, để cho thế giới thấy được thành công của sự phát triển mở cửa.

Trong khi đó, ông Lawrence Loh, Giám đốc Trung tâm quản trị và phát triển bền vững (Đại học Quốc gia Singapore), lưu ý rằng rào cản thuế quan ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.

Về xu hướng phát triển, một loạt nghiên cứu cho thấy, lợi ích chính sách từ RCEP trong việc thúc đẩy phát triển thương mại đầu tư, nâng cao mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy đến năm 2030, RCEP dự kiến sẽ làm tăng thu nhập của các nền kinh tế thành viên thêm 0,6%, mang lại 245 tỷ USD/năm cho thu nhập kinh tế của khu vực và tạo ra 2,8 triệu việc làm.

Đa số giới nghiên cứu cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương gặp thách thức, yếu tố không chắc chắn tăng lên, việc ký kết và thực hiện RCEP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho các quốc gia thành viên, mà còn tăng cường niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chủ nghĩa đa phương.

Sự ủng hộ kiên định đối với sự mở cửa và thương mại tự do sẽ giúp các nền kinh tế tiến bộ thông qua việc lưu thông hàng hóa và dịch vụ không bị cản trở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục