Câu chuyện về một bà mẹ ở Trung Quốc dọa tự tử bằng cách nhảy lầu nếu con trai không học hành chăm chỉ đã vấp phải nhiều sự chỉ trích trên mạng xã hội ở nước này.
Theo SCMP, Tang Wan, người phụ nữ hiện 55 tuổi, đã đưa ra tuyên bố đáng sợ trên khi con trai bà, Penghe, mới học cấp hai.
Hiện tại, Penghe đã 28 tuổi và anh đã kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội.
Bà mẹ nói với con trai rằng bà “chưa sống một ngày nào cho chính mình” kể từ khi sinh ra anh.
[Áp lực học hành khiến hơn 50% thanh thiếu niên Trung Quốc thiếu ngủ]
Khi Penghe còn học tiểu học, bà Tang đã đăng ký cho anh tham gia nhiều lớp học ngoại khóa và yêu cầu anh phải đạt điểm tối thiểu là 95% trong các kỳ thi ở trường.
Penghe thường kết thúc các lớp học vào lúc 10 giờ tối và sau khi về đến nhà, bà Tang sẽ thức cùng để kiểm tra xem anh đã hoàn thành các bài tập về nhà hay chưa.
Ở Trung Quốc, "jiwa" là tiếng lóng để mô tả áp lực lớn mà cha mẹ đặt ra cho con cái. Họ mong muốn con cái phải đạt thành tích học tập xuất sắc và tin rằng đây là cách duy nhất để chúng thành công. Những đứa trẻ này có thể mất đi niềm vui và tự do thời thơ ấu do áp lực quá mức đến từ cha mẹ.
Tuy nhiên, cách dạy con của bà Tang đã phản tác dụng sau khi Penghe bắt đầu nổi loạn ở trường cấp hai. Thay vì làm bài tập, anh chơi game trên điện thoại và thậm chí còn tham gia vào các cuộc đánh nhau ở lớp.
Sau khi đạt số điểm 400/900 trong một kỳ thi, anh cho biết mẹ anh đã đưa anh lên tầng thượng của tòa nhà văn phòng cao hơn 20 tầng nơi bà làm việc.
Bà đứng trên đó và nói với anh rằng “sống với số điểm như thế này thật vô nghĩa” và nói rằng bà sẽ nhảy khỏi tòa nhà nếu anh không học tập chăm chỉ.
Penghe cho biết anh sợ hãi và giữ chân mẹ, cầu xin bà đừng nhảy, nhưng sau đó anh cho biết “tác dụng của việc đe dọa như vậy chỉ kéo dài trong một tuần.”
Cuối cùng, Penghe vào một trường đại học hạng hai. Bà Tang nói rằng bà rất xấu hổ khi đối mặt với các đồng nghiệp của mình, mặc dù một người đã nói với bà rằng tài năng của con trai bà “đã thui chột vì sự thúc ép của bà."
Penghe nói: “Dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa, mẹ tôi cũng không nhận ra nỗ lực của tôi.” Nhưng bà Tang từ chối chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho sự thất bại trong học tập của con trai bà là do các bạn cùng lớp cấp hai “giàu có nhưng học dốt.”
Penghe cho biết sự kiểm soát của bà thậm chí còn "lan rộng" đến chuyện tình cảm của anh khi anh lớn lên. Anh nói rằng mẹ anh đã ép anh chia tay bạn gái.
Để thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ, anh đã tìm việc làm ở Bắc Kinh, nơi cách nhà anh hơn 1.000km.
Khoảng cách đó cũng không ngăn được việc mẹ anh liên tục gọi điện, giục anh cưới bạn gái hiện tại và sinh con.
Penghe cho biết anh không muốn có con. “Mẹ tôi đã khiến cuộc đời tôi thất bại. Làm sao tôi có thể tránh được vòng luẩn quẩn đó với con cái mình?”
Câu chuyện của Penghe đã nhận được nhiều bình luận trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Một người viết: “Thật ngột ngạt. Đó là sự áp bức nhân danh tình yêu. Người mẹ yêu bản thân mình hơn con trai, áp đặt những kỳ vọng chưa thực hiện được của mình lên con.”
Câu chuyện của Penghe có thể không hiếm gặp tại Trung Quốc. Với dân số lớn và môi trường học tập nặng về thi cử, học sinh Trung Quốc phải trải qua kỳ thi đại học được mệnh danh là kỳ thi khốc liệt nhất trên thế giới để có cơ hội vào các trường đại học hàng đầu.
Các gia đình Trung Quốc thường đặt nhiều áp lực lên con cái để chúng đạt được thành tích cao trong học tập. Điều này có thể làm tăng áp lực tinh thần và tâm lý của học sinh.
Xã hội Trung Quốc cũng đặt nhiều kỳ vọng vào học sinh và quyết định của họ trong tương lai.
Sự cạnh tranh trong xã hội và thị trường lao động Trung Quốc cũng tạo ra áp lực lớn đối với học sinh, khi họ phải có kỹ năng và kiến thức để đảm bảo sự thành công trong sự nghiệp sau này./.