Ba lý do thế giới chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tài chính mới

Cả châu Á lẫn mạng lưới tài chính toàn cầu đều chưa sẵn sàng đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới. Thông điệp mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra là giờ cần củng cố an toàn tài chính toàn cầu.
Ba lý do thế giới chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tài chính mới ảnh 1Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington DC (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org, triển vọng tươi sáng hơn, các thị trường lạc quan, thách thức còn phía trước” - đó là tiêu đề xuất hiện trên báo cáo Toàn cảnh kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật hồi tháng 1/2018. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh chóng.

Kể từ khi báo cáo được công bố, những hỗn loạn, biến động và khủng hoảng đã thống trị cảnh quan kinh tế thế giới.

Argentina rơi vào tình trạng khủng hoảng. Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên bờ khủng hoảng. Các thị trường ở Indonesia, Myanmar, Italy và Tây Ban Nha bị rung chuyển khi các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Những ảnh hưởng không mong muốn từ tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy vẫn tiếp tục tăng cao. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang với tốc độ đáng báo động.

Thời gian đang trôi rất nhanh trước khi cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có nguy cơ ngừng hoạt động.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn khá bấp bênh.

Mỹ đối mặt với cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống đầy quyết liệt với các chính sách kinh tế vĩ mô đang mâu thuẫn với chiều hướng phát triển của nền kinh tế. Những căng thẳng địa chính trị vẫn không ngừng tăng cao ở Iran, Triều Tiên và Nga.

Với tất cả những rủi ro kể trên, giờ chính là lúc để suy tính về khả năng đối phó của châu Á trước các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Năm 2018 là một năm thích hợp để nghiên cứu vấn đề này, bởi năm nay là tròn 10 năm tập đoàn đầu tư tài chính Lehman Brothers của Mỹ nộp đơn xin phá sản.

Còn năm 2017 vừa qua cũng đánh dấu 20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Liệu châu Á có nên lao vào một cuộc khủng hoảng khác, liệu chúng ta đã sẵn sàng?

Ấn bản mới nhất của Diễn đàn Đông Á số ra hàng quý (EAFQ) vừa ra mắt ngày 8/10 sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Và tình hình có vẻ không mấy khả quan. Châu Á và nền kinh tế khu vực đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.

Ngoài sự leo thang của các cuộc chiến thương mại, khủng hoảng tài chính, suy yếu thể chế, chủ nghĩa dân túy gia tăng, tranh chấp lãnh thổ và căng thẳng địa chính trị, vẫn còn rất nhiều rủi ro khác đang đón chờ ở phía trước.


[Hội nghị IMF-WB: Các nước cần sẵn sàng đương đầu với những rủi ro]

EAFQ có nhiệm vụ đánh giá năng lực của các tổ chức toàn cầu, chẳng hạn như IMF, trong việc đối phó trước các kịch bản khủng hoảng khác nhau. Theo đó, các nguồn lực của IMF đã tăng lên đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi thêm nguồn lực, liệu sự gia tăng này đã đủ hay chưa?

Liệu các cơ sở cho vay của IMF đã đủ linh hoạt? Liệu các nước có nhờ cậy đến IMF nếu họ gặp rắc rối? Và liệu “danh tiếng” của IMF kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á có còn hiện hữu?

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra, một loạt cơ chế tài chính khu vực đã được phát triển, đặc biệt là ở châu Á. Vậy các thể chế này, chẳng hạn như Sáng kiến đa phương hóa Chiang Mai (CMIM), đã đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ sự ổn định của khu vực?

Liệu các cơ chế tài chính khu vực này sẽ cạnh tranh hay bổ sung cho IMF? Làm thế nào để chúng hòa hợp với nhau trong một cuộc khủng hoảng nếu điều này chưa hề được kiểm chứng?

Một tuyến phòng thủ chống lại các cuộc khủng hoảng chính là các thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương. Các thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, một vài trong số đó vẫn tồn tại đến ngày nay, là điều không thể thiếu để giảm bớt những áp lực trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trung Quốc kể từ đó đã tạo ra các thỏa thuận trao đổi của riêng mình trị giá gần nửa nghìn tỷ USD. Vậy liệu những thỏa thuận trao đổi tiền tệ này có nằm trong mạng lưới an toàn hay không?

Liệu các ngân hàng trung ương có đồng ý ký kết các thỏa thuận trong thời gian khủng hoảng? Làm thế nào để chúng có liên quan đến IMF, các cơ chế khu vực và các ngân hàng phát triển?

Phần lớn các thỏa thuận này có thể được thực hiện ở trong nước nhằm tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế và hệ thống tài chính châu Á. Các nền kinh tế cần phải thực hiện các bước đi để ngăn cản chính họ tiếp cận mạng lưới an toàn ngay từ đầu. Vậy các tổ chức khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò gì trong tiến trình này?

Trong bài xã luận tuần này, tác giả Edwin Truman đã đưa ra những cảnh báo thẳng thừng rằng: “Cả châu Á lẫn mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu đều chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.” Giải thích cho cảnh báo này, Truman đưa ra 3 lý do.

Thứ nhất, các bên không đưa ra sự đồng thuận nhất quán về mục đích của mạng lưới an toàn và vị trí của các cơ chế khu vực bên trong mạng lưới đó.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin gần đây đã tuyên bố rằng các nguồn lực của IMF đã đủ. Tuy nhiên, Truman cho rằng có vấn đề trong tuyên bố này, đó là nguồn lực đủ của IMF không thể được đánh giá đúng nếu cuộc khủng hoảng chưa diễn ra.

Thứ hai, các mối đe dọa đối với quy mô nguồn lực của IMF đang hiện lên rõ nét. Vào năm 2020, các khoản vay song phương dành cho IMF sẽ bắt đầu hết hạn. Năm 2022, Các hiệp định vay mới (NAB) của IMF cũng sẽ bắt đầu hết hạn.

Viễn cảnh tồi tệ nhất là IMF sẽ thiệt hại một nửa nguồn tài chính của mình, rất có thể sẽ đe dọa đến khả năng phản ứng của tổ chức này trước các cuộc khủng hoảng.

Cuối cùng, Truman cảnh báo rằng các cơ chế quản lý mạng lưới an toàn vẫn chưa được thông qua. Kể cả khi nguồn lực tài chính đầy đủ của IMF được đảm bảo, song các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách giải quyết các nguồn lực này để hỗ trợ cho mạng lưới an toàn trong bối cảnh cơ chế hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chưa được thiết lập.

Những lo ngại về rủi ro đạo đức sẽ ngăn cản IMF cung cấp các nguồn lực ở quy mô cần thiết khi các ngân hàng trung ương yêu cầu, ở mức tối thiểu, mà IMF vừa có đủ nguồn lực và chính sách để tham gia.

Nhìn chung, cả châu Á lẫn mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu đều chưa sẵn sàng đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới. Thông điệp mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra là rất rõ ràng: giờ chỉ là lúc củng cố cho mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục