Trang mạng prospect.org ngày 21/12 cho rằng khi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021, một loạt thách thức chính sách đối ngoại cấp bách sẽ chờ đợi ông. Người ta có thể cho rằng không có vấn đề nào cấp bách như vấn đề Triều Tiên.
Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden nên tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên kéo dài 70 năm qua và bổ nhiệm một đặc phái viên để đàm phán hiệp ước hòa bình, hướng tới hòa giải với Triều Tiên và từng bước phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Một tiến trình xoay quanh những vấn đề chính trị liên quan đến mối quan hệ Mỹ-Triều, chứ không phải tập trung vào phi hạt nhân hóa, sẽ có cơ hội thành công cao hơn và ngăn chặn một cuộc xung đột với nước Triều Tiên được trang bị hạt nhân.
Lễ duyệt binh của Triều Tiên hồi tháng 10/2020 để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên là lời nhắc nhở mới nhất rằng chính sách của Mỹ nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã mang đến tác động ngược, chỉ càng củng cố quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Cả hai bên đều cần một giải pháp để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của các mối đe dọa hạt nhân. Điều này có nghĩa là phải xây dựng lòng tin lẫn nhau thông qua cách tiếp cận từng bước là xây dựng hòa bình và phi hạt nhân hóa.
Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 70 năm bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên, một cuộc xung đột là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh bất tận. Mặc dù một số người Mỹ có thể nghĩ rằng Chiến tranh Triều Tiên là chuyện xa vời, song cuộc xung đột này thực tế có tác động sâu sắc đến cuộc sống của những người từng tham gia chiến tranh.
Đó là một cuộc chiến tàn khốc, 5 triệu người đã thiệt mạng trong vòng 3 năm. Năm 1953, Mỹ thay mặt Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc ký hiệp định đình chiến với Triều Tiên và Trung Quốc. Nó được coi là một biện pháp tạm thời và vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Như Ngoại trưởng Stephen Biegun lưu ý trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 12/2020, tình trạng tạm thời của cuộc chiến phải được giải quyết ngay lập tức: “Chiến tranh đã đi qua; thời gian xung đột đã kết thúc và thời điểm hòa bình đã đến.”
[Cựu đặc phái viên Mỹ kêu gọi thúc đẩy bình thường hóa với Triều Tiên]
Có 3 lý do khiến chính quyền ông Biden nên tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình.
Thứ nhất, lưỡng đảng nhiều khả năng sẽ ủng hộ và ngày càng kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận. Việc theo đuổi sự thống trị quân sự toàn cầu ở mọi nơi cuối cùng sẽ khiến người Mỹ kém an toàn hơn. Vì lý do này, Tổng thống Trump xứng đáng được ghi nhận công lao vì đã làm giảm leo thang căng thẳng với Triều Tiên, mặc dù theo cách chủ yếu mang tính biểu tượng.
Bằng cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ký Tuyên bố Singapore, Tổng thống Trump đã mở ra khả năng cho một mối quan hệ song phương ổn định hơn, hướng tới tương lai. Tổng thống đắc cử Biden nên tận dụng tối đa sự mở đầu này của người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa và làm việc với Quốc hội để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Điều này có thể dẫn đến một tuyên bố của tổng thống bày tỏ sự công nhận chính thức của Mỹ về kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, sau đó bổ nhiệm một phái viên cấp cao đàm phán một hiệp ước hòa bình và hiệp ước này sẽ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Hiệp ước hòa bình tối thiểu phải bao gồm các bên ký hiệp định đình chiến (Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc) và có khả năng cả đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc, do Seoul có lợi ích trực tiếp liên quan đến các vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai, tuyên bố kết thúc “chiến tranh vĩnh viễn” sẽ giúp ông Biden gắn kết với công chúng Mỹ, những người không muốn xung đột với Triều Tiên. Kể từ giai đoạn "bão lửa và thịnh nộ" năm 2017-2018, một liên minh các tổ chức quốc gia, các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Hàn, các chuyên gia chính sách hạt nhân và các cựu quan chức chính phủ đã kêu gọi đối thoại và ngoại giao với Triều Tiên.
Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ việc tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao, trực tiếp với Bình Nhưỡng hoặc thông qua Trung Quốc, đặc biệt khi giải pháp thay thế là một cuộc xâm lược trên bộ nhằm loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Các cuộc thăm dò gần đây đã xác nhận quan điểm này. Cuộc thăm dò của Tổ chức Eurasia Group hồi tháng 9 vừa qua cho thấy phần lớn những người ủng hộ ông Trump và ông Biden tin rằng Mỹ nên đàm phán trực tiếp với các đối thủ để tránh đối đầu quân sự, ngay cả khi họ là những người vi phạm nhân quyền.
Thứ ba, việc chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên có thể dẫn đến một mối quan hệ hợp tác hơn với Bình Nhưỡng, từ đó sẽ cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về động cơ, tính toán mối đe dọa và các giá trị hình thành hành động của họ. Điều này có thể cải thiện đáng kể sự hiểu biết của người Mỹ về quan điểm của Triều Tiên đối với vũ khí hạt nhân, giúp giảm thiểu khả năng xảy ra những tính toán sai lầm tai hại.
Như Tướng Robert B. Abrams - Chỉ huy Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và các lực lượng chung Mỹ-Hàn - gần đây tuyên bố, không có thông tin đáng tin cậy về khả năng hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. “[Triều Tiên] đang tiếp tục chương trình [hạt nhân] và chúng ta ngày càng khó theo dõi họ. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) gần đây đã tuyên bố trong một báo cáo rằng sau 11 năm không được tiếp cận các cơ sở của Triều Tiên, những hiểu biết của họ về Triều Tiên đang giảm sút."
Đa số những người ủng hộ Tổng thống Trump và ông Biden tin rằng Mỹ nên đàm phán trực tiếp với các đối thủ để tránh đối đầu quân sự. Người Mỹ hết lần này đến lần khác đàm phán với các đối thủ cũ để chấm dứt xung đột, cho dù đó là với Đức hay Nhật Bản. Triều Tiên không phải là một ngoại lệ.
Thật vậy, hòa giải chính trị đã được thảo luận nghiêm túc trong các thỏa thuận trước đây, bao gồm cả Khung thỏa thuận và Tuyên bố Sáu bên năm 2005. Tuyên bố chung năm 2018 được Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký cũng cam kết một mối quan hệ chính trị mới. Tuy nhiên, không có hiệp ước hòa bình nào chính thức hóa những cam kết này và các quyết định chính trị đã làm lu mờ các mục tiêu cao cả này.
Cũng như tất cả các thách thức phức tạp về chính sách đối ngoại, việc chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên sẽ đòi hỏi sự khéo léo và nguồn nhân lực, chưa kể đến một đối tác sẵn sàng ở Triều Tiên. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách cải thiện quan hệ với Triều Tiên cũng như một đối tác sẵn sàng ở Trung Quốc, ông Biden sẽ có được thuận lợi để theo đuổi con đường này.
Các nhà phê bình sẽ nói rằng việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên không có ý nghĩa gì. Họ cố tình sử dụng các thuật ngữ như “tuyên bố kết thúc chiến tranh,” “hiệp ước hòa bình” hay “chế độ hòa bình” thay thế cho nhau như là cách để hạ thấp tầm quan trọng của chúng.
Một tuyên bố chính trị như tuyên bố kết thúc chiến tranh là rất khác với một hiệp ước được Thượng viện phê chuẩn, khác với một chế độ hòa bình thể chế hóa tiến trình hòa bình thông qua các chuẩn mực và quy tắc can dự. Ông Biden nên nói rõ rằng đây là 3 bước riêng biệt, với các cam kết ràng buộc được mong đợi từ phía Triều Tiên trong suốt chặng đường này, bao gồm cả liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Những người khác sẽ lập luận rằng việc chính thức chấm dứt chiến tranh có thể củng cố lời kêu gọi của người Hàn Quốc nhằm loại bỏ các lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Hàn Quốc muốn quân đội Mỹ ở lại trừ phi và cho đến khi các điều kiện an ninh được cải thiện.
Một ẩn số lớn hơn là người Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước việc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc có ý nghĩa gì cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Theo cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Pew hồi tháng 7/2019, ngày càng ít người Mỹ coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa lớn đối với họ so với 3 năm trước.
Trong bối cảnh những thách thức trong nước chưa từng có, liệu những người đóng thuế Mỹ có ủng hộ việc giữ quân đội Mỹ ở Hàn Quốc mà không quan tâm đến việc khi nào binh sỹ Mỹ có thể trở về nước hay không? Các điều kiện mà trong đó quân đội Mỹ sẽ không còn cần thiết nữa là gì? Đây là những câu hỏi chính đáng cần được tranh luận.
Một chiến lược tập trung vào sự cưỡng ép và can dự ngoại giao kéo dài đã thất bại trong việc kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một nỗ lực nghiêm túc nhằm cung cấp các đảm bảo an ninh tích cực, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Mỹ và Hàn Quốc vào các biện pháp cưỡng ép chưa bao giờ được thử nghiệm.
Việc chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên có thể thúc đẩy cả tiến trình hòa bình và theo sau đó là tiến trình phi hạt nhân hóa, đồng thời bảo vệ tốt hơn các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Biden nên sử dụng 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng để tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và thúc đẩy một hiệp ước hòa bình với các đối thủ trong Chiến tranh Triều Tiên./.