Ba Lan vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua Đức

Theo người phát ngôn của Tập đoàn Gazprom, Ba Lan đã từ chối thanh toán khí đốt nhập của Nga bằng đồng ruble theo cơ chế mới nhưng vẫn mua khí đốt Nga từ Đức.
Ba Lan vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua Đức ảnh 1Cơ sở khai thác khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal. Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/4, người phát ngôn của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Sergey Kuprianov cho hay Ba Lan vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga, bất chấp những tuyên bố chấm dứt nhập khẩu, song việc mua khí đốt này thông qua Đức.

Ông Kuprianov cho biết trong tuần này, Ba Lan đã từ chối thanh toán khí đốt nhập của Nga bằng đồng ruble theo cơ chế mới. Warsaw cũng đã tuyên bố rằng khí đốt Nga không còn cần thiết và sẽ không mua nữa.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy. Sau khi ngừng mua trực tiếp, Ba Lan vẫn mua khí đốt Nga từ Đức. Cụ thể, khí đốt từ Đức được chuyển ngược lại Ba Lan qua đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu.

Ông Kuprianov nhấn mạnh khối lượng khí đốt được chuyển ngược lại Ba Lan khoảng 30 triệu m3/ngày, tương đương với lượng khí đốt trong hợp đồng giữa Ba Lan và Gazprom trước đó.

Trong khi đó, hãng Reuters dẫn dữ liệu của các nhà điều hành mạng lưới truyền dẫn khí đốt Liên minh châu Âu cho biết nguồn cung khí đốt theo hợp đồng đường ống dẫn Yamal cho Ba Lan đã tăng vào ngày 26/4 sau khi giảm xuống mức 0 trước đó. Cụ thể, dòng khí đốt thông qua đường ống dẫn Yamal - châu Âu từ Belarus đến Ba Lan vào ngày 26/4 ở mức 3.449.688 kWh/giờ.

Liên quan đến vấn đề nguồn cung khí đốt từ Nga, cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Assen Vassilev tuyên bố nước này tin tưởng có thể thay thế toàn bộ nguồn khí đốt mua của Nga bằng các nguồn khác và sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông tới.

[Bulgaria, Phần Lan kêu gọi châu Âu tìm cách thay thế khí đốt của Nga]

Phát biểu với các phóng viên tại Brussels, Phó Thủ tướng Vassilev khẳng định Bulgaria có thể thay thế toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng nguồn cung từ hành lang khí đốt phía Nam, cộng với các nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch đó hiện đang được thực hiện và sẽ không có vấn đề về nguồn cung khí đốt, ngay cả trong mùa Đông.

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Romania Marcel Ciolacu tuyên bố Romania và Ukraine đã thảo luận về khả năng hỗ trợ Moldova trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nước này.

Tháng 10/2021, Moldova đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga để gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt trong 5 năm, trong đó công ty Moldovagaz thực hiện nghĩa vụ kiểm toán nợ vào năm 2022. Cuộc đấu thầu kiểm toán đã thất bại, một phần do các sự kiện ở Ukraine.

Theo Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu, nhiều doanh nghiệp đã từ chối tham gia và điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm nguồn cung khí đốt bắt đầu từ ngày 1/5, song Chính phủ Moldova đã yêu cầu Gazprom lùi lại thời điểm này.

Phía Moldova đang tìm cách mua khí đốt từ các nước khác nếu Moskva cắt giảm nguồn cung khí đốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục