Ngày 11/12, một tàu chở khí đốt đầu tiên từ Qatar đã cập cảng Ba Lan, mở đầu cho định hướng của chính quyền Warsaw về đa dạng nguồn năng lượng và giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tàu Al Nuaman chở 210.000 mét khối khí đốt đã cập bến tiếp nhận dầu thuộc cảng Swinoujscie, phía Tây-Bắc Ba Lan.
Thứ trưởng Tài chính nước này Henryk Baranowski cho biết đây là lần đầu tiên Ba Lan mua khí đốt từ Trung Đông. Ông tin tưởng rằng khi trạm tiếp nhận khí đốt Swinoujscie đi vào hoạt động, Ba Lan sẽ có thể nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ bất kỳ nước nào trên thế giới.
Bộ trưởng Công nghiệp Biển và Hàng hải Ba Lan, Marek Grobarczyk cho rằng với nguồn cung cấp khí đốt mới này, Ba Lan có thể gây được sức ép trong đàm phán với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, nhà cung cấp tới 40% lượng tiêu thụ của đất nước Đông Âu này.
Ngoài ra, tuyến đường biển này cũng sẽ biến khả năng đa dạng hóa nguồn cung khí đốt sang các nước Trung và Đông Âu trở nên khả thi.
Bến tiếp dẫn khí đốt mới được xây dựng trị giá 750 triệu euro, có công suất thiết kế 5 tỷ mét khối mỗi năm, tương đương một phần ba nhu cầu của Ba Lan. Công suất này có thể được tăng lên 7,5 tỷ mét khối.
Trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, trong năm qua Ba Lan tiến hành nhiều dự án cải tạo hệ thống dẫn khí đốt, xây dựng hàng trăm km đường ống mới và cơ sở ngầm để tăng cường tính độc lập trong lĩnh vực khí đốt.
Cho đến nay, mỗi năm Ba Lan nhập khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga, 20% nhập từ các nước Trung Á, số còn lại được khai thác trong nước. Năm 2009, Ba Lan đã ký với Qatar thỏa thuận thời hạn 20 năm cung cấp khí đốt qua bến Swinoujscie./.