Ba Lan muốn Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại nước này

Tổng thống Duda bày tỏ hy vọng các nỗ lực chung của hai bên trong việc tăng cường sự hiện diện của binh sỹ Mỹ tại Ba Lan sẽ sớm đem lại hiệu quả.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (thứ 2 phải ) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (thứ 2 trái) tại cuộc gặp ở Warsaw, Ba Lan. (Nguồn: PAP/TTXVN)

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ hy vọng việc Mỹ tăng cường lực lượng trên lãnh thổ Ba Lan sẽ sớm diễn ra.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp song phương với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Ba Lan ngày 13/2, Tổng thống Duda bày tỏ hy vọng các nỗ lực chung của hai bên trong việc tăng cường sự hiện diện của binh sỹ Mỹ tại Ba Lan sẽ sớm đem lại hiệu quả. Ông mong muốn trong tương lai gần, các cam kết này sẽ sớm được hiện thực hóa.

Về phần mình, Phó Tổng thống Mỹ Pence đã hoan nghênh Ba Lan vì cam kết bảo vệ lĩnh vực viễn thông trước Trung Quốc. Ông nêu rõ hai bên cần tiếp tục làm việc để xúc tiến các cơ chế xem xét đầu tư nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh và kinh tế.

[Phó Tổng thống Mỹ tán dương hành động của Ba Lan đối với Huawei]

Tháng Một vừa qua, Ba Lan đã bắt giữ một nhân viên tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc và một cựu quan chức an ninh nước này với cáo buộc hoạt động gián điệp. Chính phủ Ba Lan hiện cũng đang cân nhắc loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi mạng lưới 5G trong tương lai.

Ông Pence nhận định hành động này cho thấy cam kết của Chính phủ Ba Lan trong việc đảm bảo ngành viễn thông không bị tác động tiêu cực, dẫn đến những mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Do những quan ngại rằng các sản phẩm Huwei có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp, Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh đến những nguy cơ trong việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc khi tới thăm Ba Lan và các nước Trung Âu trong tuần này. Tập đoàn viễn thông Huawei Trung Quốc đã liên tục bác bỏ việc các sản phẩm của hãng có thể được dùng cho mục đích gián điệp.

Cũng tại cuộc gặp trên, hai bên đã thảo luận về hợp tác năng lượng và kinh tế.

Trước đó, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 20 hệ thống phóng rocket di động HIMARS của Mỹ cùng một số quân dụng với tổng trị giá 414 triệu USD. Toàn bộ đơn hàng sẽ do tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin sản xuất.

Lễ ký diễn ra tại thủ đô Vacsava của Ba Lan dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang ở thăm nhân tham dự hội nghị các vấn đề an ninh Trung Đông diễn ra từ ngày 13-14/2.

Hiện Mỹ đang có 4.000 binh sỹ đồn trú tại Ba Lan trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính phủ Ba Lan muốn Mỹ mở một căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ nước này, nhưng đã nhiều lần bị Washington từ chối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục