Ba Lan không nhượng bộ kế hoạch tái phân bổ người tị nạn của EU

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định nước này "sẽ không bị đe dọa" bởi các đối tác lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) để phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn.
Ba Lan không nhượng bộ kế hoạch tái phân bổ người tị nạn của EU ảnh 1Người tị nạn ở châu Âu. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo ngày 3/9 khẳng định nước này "sẽ không bị đe dọa" bởi các đối tác lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) để phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn theo hệ thống hạn ngạch tái phân bổ người di cư sang các nước thành viên của khối.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Sieci, Thủ tướng Szydlo nhấn mạnh Ba Lan không thể nhún nhường trước đe dọa cắt giảm quỹ hỗ trợ từ EU do không đồng ý với kế hoạch của khối về tái phân bổ người di cư từ Bắc Phi và Trung Đông.

Bà Szydlo cho rằng các quỹ hỗ trợ và chính sách gắn kết là những trụ cột của EU và Ba Lan cũng có quyền lợi đối với những chính sách này. Do đó, Ba Lan cho rằng các hiệp ước của EU cũng phải được tuân thủ và Warsaw phản đối những yêu sách của các nước lớn trong khối về hạn ngạch tái phân bổ người di cư.

Tuyên bố của bà được đưa ra trong bối cảnh Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 5/9 sẽ bác khiếu nại của Hungary và Slovakia về chương trình hạn ngạch bắt buộc này.

Tháng Bảy vừa qua, Ủy viên EU về vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos cho biết EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt 3 quốc gia Đông Âu gồm Hungary, Ba Lan và Séc vì đã từ chối tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ năm 2015 của khối.

[Khách du lịch sững sờ khi thấy người di cư lũ lượt đổ bộ vào bờ biển]

ECJ khả năng sẽ ra phán quyết trừng phạt 3 quốc gia này, điều mà Warsaw cho là tương đương với việc cắt giảm quỹ hỗ trợ của EU.

Năm 2015, làn sóng người tị nạn do chiến sự tại Syria, xung đột và nghèo đói tại Trung Đông cùng nhiều nước châu Phi khác đã làm bùng phát cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 với hơn 1 triệu người xin tị nạn. Kể từ đó đến nay, Hy Lạp và Italy là hai cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển nhằm tìm kiếm một tương lai an toàn và tốt đẹp hơn tại các nước Trung và Bắc Âu.

Sau khi các đường biên giới dọc hành lang các nước Balkan bị đóng cửa vào mùa Đông năm 2016, hơn 60.000 người di cư, tị nạn đã bị mắc kẹt tại Hy Lạp. Các nước đối tác EU đã cam kết giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italy, nhưng mục tiêu của chương trình tái phân bổ người di cư vẫn chưa được hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại.

Đến tháng Bảy vừa qua, chỉ có 24.000 trên tổng số 160.000 người tị nạn trong chương trình tái phân bổ người di cư của EU được chuyển từ Hy Lạp và Italy sang các nước thành viên khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục