Theo Sputniknews, ngày 11/6, người phát ngôn của bộ trưởng điều phối các cơ quan đặc biệt của Ba Lan, ông Stanislaw Zaryn, khẳng định Ba Lan không liên quan đến các vụ nổ tại 2 đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc từ Nga tới châu Âu.
Trong một bài đăng trên Twitter, ông Zaryn viết: “Ba Lan không liên quan gì đến các vụ nổ Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2. Việc gắn Ba Lan với những sự kiện này là không có cơ sở."
Vào tháng 9/2022, đã xảy ra một vài vụ nổ nhằm vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc trên Biển Baltic. Sau đó, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.
Trong số này, hai vị trí nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi lẫn nhau về các vụ nổ.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào dù cho rằng đây là hành động "có chủ đích."
Hôm 14/3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tàu của Tập đoàn Gazprom phát hiện thấy bằng chứng, có khả năng là một thiết bị nổ khác trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cách chỗ xảy ra vụ phá hoại trước đó khoảng 30km.
Trước đó, Gazprom nhận được lời mời từ chính quyền Đan Mạch tham gia điều tra tại nơi xảy ra các vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Tuy nhiên, con tàu của Gazprom không chỉ dừng lại nơi đã xảy ra vụ nổ mà đã đi xa hơn dọc đường ống, nhờ đó phát hiện một cọc nhỏ tại ống nối - chỗ yếu nhất của đường ống.
Các vụ nổ trước đó cũng xảy ra ở những vị trí như thế này. Các chuyên gia cho rằng đó có thể là ăngten để thu tín hiệu kích hoạt thiết bị nổ đặt dưới hệ thống đường ống.
[Đức: "Chưa ai biết" thủ phạm các vụ tấn công Dòng chảy phương Bắc]
Ngày 27/3, Nga đã thất bại trong việc thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành một cuộc điều tra độc lập về các vụ nổ xảy ra hồi tháng 9/2022 trên đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, nối Nga và Đức, dẫn khí đốt qua biển Baltic.
Theo kết quả bỏ phiếu, chỉ có Nga, Trung Quốc và Brazil bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo, trong khi 12 thành viên hội đồng còn lại bỏ phiếu trắng.
Cùng ngày 27/3, Vụ trưởng Hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết Moskva có thể yêu cầu bồi thường liên quan đến các thiệt hại do các vụ nổ.
Điện Kremlin cho rằng tất cả các cổ đông có trách nhiệm quyết định có tạm dừng hoạt động các đường ống Dòng chảy phương Bắc hay không.
Ngày 6/4, cơ quan công tố Thụy Điển cho biết rất khó xác định đối tượng đứng sau các vụ nổ làm hư hại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc hồi năm ngoái.
Công tố viên Mats Ljungqvist cho biết có nhiều thông tin và báo cáo khác nhau xung quanh vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt. Tuy nhiên, các suy đoán bên ngoài này sẽ không ảnh hưởng đền cuộc điều tra vốn dựa trên sự thật và thông tin thu thập được từ các phân tích, điều tra hiện trường và sự hợp tác với các nước.
Hôm 21/5, tờ Suddeutsche Zeitung của Đức đưa tin ít nhất hai người Ukraine có thể đã tham gia vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Tuy nhiên, Văn phòng Công tố Liên bang Đức ngày 22/5 đã không đưa ra bình luận khi được hỏi về vấn đề trên.
Ngày 25/5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu đại sứ các nước Đức, Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối điều mà Moskva gọi là "hoàn toàn không có kết quả" trong cuộc điều tra về các vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cả 3 quốc gia trên "cố trì hoãn" các nỗ lực điều tra và "tìm cách che giấu thủ phạm" đứng sau các vụ nổ trên. Moskva cũng bày tỏ "không hài lòng" về việc các bên từ chối không để Nga tham gia vào hoạt động điều tra này.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) Bruno Kahl cho biết hiện không có cơ quan tình báo nào có thể nêu rõ tên những người tiến hành vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc./.