Quốc hội Ba Lan ngày 19/7 đã thông qua các biện pháp bồi thường cho ngành công nghiệp của nước này vốn đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với chi phí điện leo thang do phí phát thải carbon tăng theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Phụ thuộc nặng nề vào nguồn than đá gây ô nhiễm môi trường, các nhà máy điện của Ba Lan đang phải đối mặt với chi phí gia tăng để mua được quyền phát thải khí carbon theo kế hoạch mua bán khí phát thải của EU. Người tiêu dùng, trong đó có các doanh nghiệp, chính là đối tượng cuối cùng phải chịu những chi phí này.
Bộ Công nghệ và Doanh nghiệp Ba Lan cho biết, theo kế hoạch vừa được Quốc hội thông qua, nước này sẽ chi khoảng 900 triệu zloty (237 triệu USD) mỗi năm bắt đầu từ năm 2020 để bồi thường cho các công ty phải sử dụng nhiều năng lượng, nhằm giúp các công ty này duy trì khả năng cạnh tranh và bảo vệ khoảng 1,3 triệu việc làm.
[8 nước Liên minh châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ nhiệt điện]
Bộ trên cho biết khoảng 300 doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, kim loại và giấy, sẽ được nhận bồi thường cho các chi phí để mua quyền phát thải khí CO2 đã được bao gồm trong giá điện. Do chưa có những kế hoạch chắc chắn trong việc đa dạng hóa nguồn năng lượng trong ngắn hạn, Chính phủ Ba Lan đã tập trung vào chính sách giới hạn giá để làm giảm chi phí phát thải gia tăng theo quy định của EU.
Biện pháp nói trên được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử mùa thu này, sau khi chính quyền Vacsava hồi năm ngoái đã không thể áp dụng giới hạn giá đối với điện do lý do kỹ thuật. Tháng trước, Ba Lan đã ngăn chặn nỗ lực của EU trong việc đặt ra mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050, đồng thời kêu gọi các biện pháp bồi thường cho những chi phí mà nước này phải gánh chịu để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới.
Chính phủ Ba Lan dự định sẽ chỉ giảm dần mức độ phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện từ mức khoảng 80% như hiện nay xuống còn 60% vào năm 2030./.