Ba Lan công bố chi tiết chương trình tăng cường an ninh biên giới phía Đông

Nhiệm vụ của chương trình “East Shield” (Lá chắn phía Đông) bao gồm ngăn chặn sự xâm nhập của các lực lượng thù địch, tạo thuận lợi cho hoạt động di chuyển của quân đội Ba Lan và bảo vệ dân thường.

Binh sỹ Ba Lan tuần tra. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Binh sỹ Ba Lan tuần tra. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Ngày 27/5, Ba Lan đã công bố chi tiết chương trình “East Shield” (Lá chắn phía Đông) nhằm tăng cường an ninh biên giới phía Đông của nước này.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết đây là sáng kiến phòng thủ biên giới lớn nhất của nước này kể từ năm 1945.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Vacsava, các quan chức quốc phòng Ba Lan đã trình bày kế hoạch tăng cường giám sát thiết bị bay không người lái (UAV) và phòng thủ quân sự trên mặt đất thông qua một hệ thống gồm nhiều công sự và rào chắn dọc theo đường biên giới phía Đông đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động tăng cường an ninh và khẳng định đây là chiến dịch mang tính chiến lược đối với chính phủ và an ninh của Ba Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã phác thảo chi tiết chương trình, trong đó có kế hoạch xây dựng các công sự, các loại rào chắn khác nhau và các hệ thống hiện đại giám sát không phận ở mọi cấp độ, cải tiến hơn các hệ thống hiện có, đồng thời sẽ được tích hợp với hệ thống phòng thủ trên khắp cả nước.

Ông cho biết nhiệm vụ của “East Shield” bao gồm ngăn chặn sự xâm nhập của các lực lượng thù địch, tạo thuận lợi cho hoạt động di chuyển của quân đội Ba Lan và bảo vệ dân thường.

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Quốc phòng Cezary Tomczyk cho biết biên giới Ba Lan dài khoảng 700km, trong đó vành đai phòng thủ được thiết lập dọc khu vực trải dài 400 km ở phía Đông. Ba Lan đặt mục tiêu hoàn thiện xây dựng vành đai phòng thủ vào năm 2028 với chi phí ước tính khoảng 10 tỷ zloty (hơn 2,55 tỷ USD).

Trong khi đó, Tướng Wieslaw Kukula, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ba Lan, cho biết thêm hệ thống này sẽ bao gồm một mạng lưới lô cốt phòng thủ và kiểm soát chống UAV hiện đại, chướng ngại vật và hào chống tăng, lô cốt và hầm trú ẩn cũng như không gian để có thể triển khai các bãi mìn.

Theo các quan chức Ba Lan, hệ thống này là một phần cơ sở hạ tầng phòng thủ khu vực được xây dựng cùng với các quốc gia Baltic gồm Latvia, Litva và Estonia, cũng nằm ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dự án "East Shield" sẽ được cấp vốn từ ngân sách nhà nước nhưng Ba Lan cũng đang tìm kiếm hỗ trợ thêm từ Liên minh châu Âu (EU). Ba Lan nhấn mạnh EU cần tăng cường đầu tư vào an ninh khu vực vì hệ thống trên cũng sẽ giúp củng cố biên giới phía Đông của khối gồm 27 quốc gia thành viên này.

Giới quan sát nhận định việc Chính phủ Ba Lan công bố kế hoạch 2 tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) có thể là một phần trong chiến dịch vận động tranh cử của chính quyền Thủ tướng Donald Tusk.

Với dân số khoảng 38 triệu người, Ba Lan được phân bổ 52 ghế trong EP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục