Các nguồn thạo tin cho biết Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên về giữ chức vụ này nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Dự kiến, nhiệm kỳ hiện nay của bà Georgieva sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới.
Nhà kinh tế học người Bulgaria tuần trước đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire.
Phát biểu với báo giới trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Sao Paulo (Brazil), ông Le Maire cho rằng bà Georgieva đã làm rất tốt khi lãnh đạo IMF và Pháp sẽ ủng hộ bà tiếp tục giữ chức vụ này nhiệm kỳ hai.
Sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Pháp là rất quan trọng vì các nước châu Âu có truyền thống đề cử ứng cử viên lãnh đạo IMF, mặc dù việc này cần được tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí. Quyết định cuối cùng sẽ do Hội đồng thống đốc IMF đưa ra.
Tuần trước, bà Georgieva tuyên bố bà đang tập trung vào công việc hiện tại chứ không phải vấn đề có tìm kiếm nhiệm kỳ mới hay không. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết bà Georgieva quan tâm đến nhiệm kỳ thứ hai và nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Bà Georgieva là người phụ nữ thứ hai đứng đầu IMF nhưng là người đầu tiên đến từ nền kinh tế thị trường mới nổi.
Việc tiếp tục bổ nhiệm bà Georgieva lãnh đạo IMF nhiệm kỳ hai sẽ giúp giải quyết những lo ngại lâu nay của thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển về tình trạng độc quyền của Mỹ và châu Âu tại 2 tổ chức tài chính toàn cầu là IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Bà Georgieva đã lãnh đạo IMF vượt qua những cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, từ đợt bùng phát dịch COVID-19 chỉ vài tháng sau khi bà nhậm chức đến cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi đầu năm 2022.
Bà tập trung vào việc củng cố triển vọng tăng trưởng trung hạn vốn đang giảm mạnh so với trước đây, giải quyết các thách thức nợ chính phủ hiện nay và tiến hành cải cách hạn ngạch đóng góp tài chính của các nền kinh tế thành viên./.
Tổng Giám đốc IMF lạc quan về triển vọng “hạ cánh mềm” của kinh tế thế giới
Người đứng đầu IMF kỳ vọng lãi suất sẽ đi xuống sau giai đoạn vọt lên những mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ, giống như những gì đã diễn ra với chỉ số lạm phát trong năm 2023.