Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới

Trong kịch bản chủ yếu, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67%/năm, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp dưới 5%/năm.
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới ảnh 1Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy Sao Ta (Sóc Trăng). (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Trong giai đoạn 2016-2020, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục bởi hàng loạt yếu tố hỗ trợ như tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI cùng với các cải cách về thể chế của nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới bình quân sẽ ở mức 6,5-7%/năm; kiểm soát lạm phát trong khoảng 5-7%/năm và bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 cũng giảm còn 4,8% GDP.

Đánh giá về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015, ông Cao Viết Sinh, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Qua thời gian rất dài, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa vào vốn, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh kém, hội nhập chưa thật bền vững."

Theo tiến sỹ Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo được bền vững trong dài hạn, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm những nút thắt của nền kinh tế trong ngắn hạn, bao gồm nợ đọng trong thị trường bất động sản, nợ xấu, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược-quy hoạch phát triển trong dài hạn rõ ràng, có lộ trình cụ thể, định hướng phát triển ổn định để kêu gọi các nguồn đầu tư. Minh bạch công khai hóa thông tin về hiện trạng nền kinh tế cũng là biện pháp nhằm nâng cao niềm tin của giới đầu tư và tìm hướng giải quyết hiệu quả cho nền kinh tế.

Về đầu tư, ông Đặng Đức Anh cho rằng Nhà nước cần khơi thông luồng vốn sản xuất, huy động tối đa nguồn đóng góp từ mọi thành phần xã hội để phát triển đất nước, song hành với việc đưa ra một khung giám sát và bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và lãng phí nguồn lực.

Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là phải vượt qua được tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó" và thay bằng tư duy "năng lực quản lý phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của đất nước."

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần triển khai mạnh mẽ các chính sách, biện pháp xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ trong cả nước và các ngành để thật sự chuyển dịch cơ cấu và mô hình tăng trưởng theo định hướng đã xác định.

Ông Hiếu cũng cho rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội của Hiệp định TPP để chuyển hướng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và tăng cường thu hút đầu tư từ các nền kinh tế TPP vào những ngành sản xuất ra đầu vào cho quá trình sản xuất và vào những ngành có tác động lan tỏa cũng như những ngành mũi nhọn của nền kinh tế như: dệt may, da giày.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới.

"Tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách thể chế," bà Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) cho biết.

Dẫn chứng cụ thể bằng mô hình định lượng, Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm NCIF đưa ra ba kịch bản tăng trưởng cho 5 năm tới. Trong kịch bản chủ yếu, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67%/năm, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp dưới 5%/năm.

Nếu lạc quan hơn, Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,04%/năm trong hoàn cảnh tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn, những nguy cơ đe dọa như nợ công hay nợ xấu được giải quyết triệt để.

Ngược lại, nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như mô hình cũ, những rủi ro về hệ thống tài chính và nợ công ngày một lớn, đồng thời gặp thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ gặp phải những biến cố khó lường với tốc độ tăng trưởng bình quân năm chỉ đạt khoảng 6% và lạm phát tăng cao trở lại lên mức 7%.

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới ảnh 2 (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Trước ba kịch bản này, tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh để “tránh xa kịch bản thấp," yêu cầu sống còn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Ông Việt khuyến nghị: "Có 3 thách thức lớn cần phải vượt qua, đó là phải thay đổi mục tiêu tăng trưởng cao, chấp nhận tăng trưởng bền vững; thay đổi đối tượng hưởng lợi và thay đổi ưu đãi trong đầu tư (lĩnh vực công nghiệp đang được hưởng nhiều ưu đãi sẽ không được nhận thêm ưu đãi nữa)."

Ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thiên về kịch bản mức tăng trưởng trung bình. Bởi kịch bản thấp dấy lên lo ngại về vấn đề lao động-việc làm, kịch bản cao khó có thể kết hợp hai yếu tố tái cơ cấu và tăng trưởng.

Ông Lưu Bích Hồ cho rằng điều tiên quyết trong bối cảnh hội nhập quốc tế là đổi mới tư duy, thể chế và bộ máy tổ chức thực hiện trong nền kinh tế, trong đó, tái cơ cấu về công nghiệp là vấn đề cốt lõi để tăng trưởng trong thời gian sắp tới. “Năm năm sắp tới sẽ là tiền đề để 5 năm sau đó chúng ta bật lên," ông Hồ nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng nhận định năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2011-2015 và tiến hành xây dựng kế hoạch 5 năm tới, nhiệm vụ đặt ra là phải tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

"Kinh tế 2015 ước tăng 6,5% - vượt mục tiêu đề ra, song 5 năm qua chỉ tăng trung bình dưới 6%/năm, thấp hơn so với mức 6,32%/năm của giai đoạn 5 năm trước và thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là khoảng 6,5%/năm. Do vậy, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 hết sức nặng nề, phải tận dụng mọi cơ hội thách thức để phát triển kinh tế," Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục