Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khóa 19, nhiệm kỳ 2015-2020, đã tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025.
Sau Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20 và những định hướng chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, hướng Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
- Trước tiên, xin chúc mừng đồng chí đã được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, nhiệm kỳ 2020-2025. Xin ông cho biết kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20?
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp. Với phương châm “Đoàn kết-dân chủ-kỷ cương-đổi mới-phát triển," Đại hội đã hoàn thành các nội dung quan trọng đó là tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015-2020; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Đại hội đã bầu một lần đủ số lượng 53 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là những đồng chí có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cao, tiêu biểu về trí tuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực công tác tốt; trong đó, 39 đồng chí tái cử (chiếm 73,6%); tham gia lần đầu 14 đồng chí (chiếm 26,4%); cấp ủy viên là nữ có 6 đồng chí (đạt 11,3%); cán bộ trẻ, từ 36-40 tuổi, có 3 đồng chí (chiếm 5,7%). Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội lần thứ 13 của Đảng gồm 22 đại biểu chính thức và hai đại biểu dự khuyết.
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa 20 đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bầu một lần đủ số lượng 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bầu các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm chín đồng chí và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đảm bảo đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng.
Nhìn chung, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20 diễn ra trong không khí dân chủ, trang nghiêm, thật sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Công tác điều hành tại Đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; đại biểu dự Đại hội thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của Đại hội; Đoàn Chủ tịch và các Tổ giúp việc nắm vững nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng. Việc thảo luận tại Đại hội được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Các nội dung tham luận đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và được Đoàn Chủ tịch Đại hội tiếp thu đầy đủ, báo cáo Đại hội.
Công tác bầu cử tại Đại hội và tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng. Nhân sự do cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 chuẩn bị, đề cử được Đại hội thống nhất cao. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy và nhân sự đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đều bầu một lần đủ số lượng, theo đúng cơ cấu Đề án nhân sự được Đại hội biểu quyết thông qua. Việc kiểm phiếu thực hiện trên máy tính đảm bảo chính xác, khách quan, tiết kiệm thời gian.
- Đại hội đã đề ra mục tiêu, giải pháp chủ yếu gì để phát triển kinh tế-xã hội, đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, thưa ông?
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20 đã xác định mục tiêu tổng quát trong năm năm tới (2020-2025), đó là tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, có nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước; tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Giai đoạn 2020-2025, Nam Định đề ra chỉ tiêu cụ thể là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8,5-9,5%/năm. Đến năm 2025, thu nhập thực tế bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm xuống dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025); có 50% số huyện (năm huyện) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh đạt 80% trở lên...
[Nam Định phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước]
Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ mới, Đại hội thống nhất đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó, tập trung vào sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Các nhiệm vụ trọng tâm là Nam Định tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nam Định lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao; khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển, hình thành đô thị Rạng Đông-Thịnh Long và khu kinh tế biển Nghĩa Hưng thành trung tâm sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của miền Bắc. Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
Các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Tỉnh tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày một hiện đại, theo hướng ưu tiên cho các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển.
Nam Định tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, bảo vệ, cải thiện môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Đặc biệt, trong năm năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới, Đại hội xác định, tỉnh Nam Định phải thực hiện hiệu quả các khâu đột phá đó là tập trung xây dựng và điều chỉnh các loại quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đồng bộ theo hướng hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược phát triển về giao thông, khu, cụm công nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển.
Tỉnh Nam Định đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ. Tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển phía Nam của tỉnh.
Tỉnh cũng thực hiện các giải pháp để khôi phục và phát triển thành phố Nam Định là một trong ba thành phố lớn của miền Bắc và là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sáu chức năng trung tâm vùng: công nghiệp; giáo dục-đào tạo; khoa học-công nghệ; y tế; văn hóa, du lịch; thể thao theo quy hoạch địa giới hành chính thành phố mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xin ông cho biết các biện pháp để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20 vào cuộc sống?
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong: Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cụ thể, có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đây là khung định hướng, là cơ sở để các cấp, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch công tác trong năm năm tới (2020-2025) và hằng năm sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; lựa chọn những mục tiêu, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Để Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh sớm đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 20 đã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội và các nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình hành động; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện của địa phương, đơn vị mình trong kế hoạch năm năm tới và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ hằng năm để tổ chức triển khai đạt hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cụ thể hóa Chương trình hành động thành các chương trình, đề án, dự án... đảm bảo đồng bộ, khả thi để triển khai thực hiện hiệu quả; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo quy định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đề ra.
- Ông có thể cho biết những kinh nghiệm rút ra trong chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20 nhiệm kỳ 2020-2025?
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong: Từ thực tế tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 rút ra một số bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức đại hội. Đó là phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 71-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội. Công tác chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự đại hội phải được tiến hành bài bản, thận trọng, phát huy tối đa dân chủ.
Cấp ủy phải xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị. Thực hiện hiệu quả, có chất lượng công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội bằng nhiều hình thức thiết thực, gắn quá trình chuẩn bị đại hội với đẩy mạnh hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng bộ và quần chúng nhân dân.
Về văn kiện Đại hội, Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện trên các lĩnh vực, tập hợp được trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Nội dung báo cáo chính trị phải sát, hợp với thực tế, đánh giá chính xác, khách quan thành tựu và kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới đảm bảo tính khả thi, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp để đảm bảo sự phát triển của địa phương, đơn vị trong nhiệm kỳ mới.
Công tác nhân sự phải được lãnh đạo thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, công tâm, khách quan, dân chủ, lựa chọn những người có trình độ, uy tín và năng lực, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tín nhiệm, nhất là các chức danh cán bộ chủ chốt của cấp ủy. Nhân sự khóa mới đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo quy định; giải quyết hài hòa giữa cơ cấu cấp ủy và tiêu chuẩn cán bộ. Tuy nhiên, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, kiên quyết không cơ cấu vào cấp ủy những cán bộ trình độ, năng lực, uy tín thấp.
Công tác bầu cử tại đại hội phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo Quy chế bầu cử trong Đảng. Danh sách bầu cử và phiếu bầu cử phải được rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng, không để xảy ra sai sót. Các cấp ủy cần quan tâm giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên, nhất là nhân sự cấp ủy khóa mới; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát...
- Trân trọng cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy./.