Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vừa cứu sống thành công cháu gái 2 tuổi suy gan giai đoạn cuối bằng gan hiến của bà ngoại 52 tuổi, đảm bảo an toàn cho hai bà cháu hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.
Nhập viện với thời gian sống chỉ tính bằng ngày
Ngày 14/3/2024, khi được đưa đến Vinmec, bé B.L.C (27 tháng tuổi) đã ở trong tình trạng suy gan giai đoạn cuối, nhiều lần nhiễm trùng đường mật và nhiễm khuẩn huyết, liên tục sốt. Cân nặng bé chỉ 10kg nhưng bụng đã chứa tới hơn 1,3 lít dịch cổ chướng gây nên tình trạng khó thở, chèn ép cơ hoành, chảy máu, vỡ tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Trước đây, bé L.C bị teo đường mật bẩm sinh, từng được phẫu thuật Kasai để nối mật - ruột lúc 3 tháng tuổi. Diễn biến một năm sau mổ cho thấy bé không may nằm trong số các trường hợp teo đường mật bẩm sinh, không đạt được hiệu quả sau mổ.
Hệ thống đường mật trong và ngoài gan của bé không được lưu thông, khiến gan ứ mật dẫn đến xơ hóa và cuối cùng là suy gan với nhiều biến chứng nặng như vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa, cổ chướng. Điều đó có nghĩa, bé L.C phải được ghép gan, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.
Tuy nhiên, các kết quả kiểm tra, đánh giá giải phẫu gan cả bố và mẹ L.C đều cho kết quả không phù hợp. Tình trạng xơ gan của bé ngày càng xấu đi, không đáp ứng với điều trị và suy dinh dưỡng nặng, thời gian sống của bé có thể chỉ tính được bằng ngày, bằng tuần. May mắn thay, bà ngoại của bé - bà H.T.L (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lại đủ điều kiện hiến gan cho cháu gái sau khi xét nghiệm và vượt qua 3 vòng kiểm tra chặt chẽ.
Ngay lập tức, đội ngũ y bác sỹ Vinmec khẩn trương hội chẩn, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện thành công ca đại phẫu phức tạp. Ca ghép không chỉ nhằm mục đích giải quyết triệt để vấn đề suy gan, mà giải quyết gốc rễ các biến chứng của tình trạng teo đường mật bẩm sinh nguy hiểm cho bé L.C.
Được các bác sỹ trong ekip phẫu thuật chăm sóc kỹ lưỡng trong suốt quá trình mổ và hậu phẫu, thể trạng bé L.C. đã cải thiện nhanh chóng sau ca mổ, da không còn vàng, bụng thon gọn hơn, ăn uống tốt và bắt đầu tăng cân. Các chỉ số cho thấy chức năng mảnh ghép đã ổn định. Theo các bác sỹ, tiếp theo, chỉ cần sử dụng thuốc chống thải ghép, bé hoàn toàn có thể trở lại với cuộc sống bình thường.
Bên cạnh đó, bà ngoại của bé cũng đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện chỉ sau 5 ngày kể từ khi phẫu thuật hiến gan.
Chứng kiến con gái và mẹ đều bình an và hồi phục rất tích cực, chị P.T.L - mẹ bé L.C xúc động chia sẻ: “Được bà ngoại cho một phần cơ thể, được các bác sỹ Vinmec hết lòng cứu chữa, con tôi như được sinh ra lần thứ 2. Là mẹ cháu, không có hạnh phúc nào trọn vẹn với tôi hơn lúc này.”
Hoàn toàn làm chủ ca đại phẫu “đa khoa” phức tạp
Ca đại phẫu kéo dài 8 giờ đồng hồ cho bệnh nhân chỉ vỏn vẹn 10 kg bị suy gan thực sự là một thách thức. Để có thể tạo hình mạch máu chính xác, khớp với mạch máu của người lớn, vốn có đường kính lớn gấp 3 lần mạch máu của trẻ em, kỹ thuật của bác sĩ thực hiện phải rất cao. Đồng thời, toàn bộ quy trình gây mê cũng như hồi sức tích cực, chăm sóc sau mổ đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều chuyên khoa, tuân thủ các quy trình chuyên môn nghiêm ngặt để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kinh nghiệm thực hiện nhiều ca ghép gan trẻ em cùng các chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó có trường hợp bệnh nhân chỉ nặng 7kg, ekip ghép gan của Vinmec đã hoàn toàn làm chủ ca mổ của bé L.C.
Ngay sau khi hoàn tất ca phẫu thuật, ekip gây mê đã rút ống nội khí quản để bé tự thở, giúp giảm áp lực trong lồng ngực, tăng chất lượng mảnh gan mới ghép và tránh nguy cơ viêm phổi cho người bệnh.
“Ekip gây mê Vinmec đã liên tục xét nghiệm, điều chỉnh các chỉ số máu, nước tiểu cần thiết, chăm chút từng chi tiết nhỏ trong suốt ca mổ. Bệnh nhân được giảm đau bằng phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống ESP, an toàn và không gây tác dụng phụ. Nhờ đó, ngay khi ca mổ kết thúc, con đã được rút nội khí quản, tỉnh táo trong niềm vui vô bờ bến của bố mẹ,” Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Tuấn Việt, Trưởng Khoa Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chia sẻ về ca phẫu thuật.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật-Tiết niệu Vinmec, nhận định những thành công trong ghép gan ở trẻ em có thể đem lại sự thay đổi cuộc sống lâu dài, rất có ý nghĩa cho người bệnh. Teo đường mật bẩm sinh là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhiều trẻ đang phải chờ ghép. Vì vậy, những ca phẫu thuật thành công như bé L.C như tiếp thêm hy vọng cho các gia đình có con đang phải chiến đấu với căn bệnh này.
"Thời gian tới đây, Vinmec cũng sẽ đẩy mạnh ghép gan trẻ em, cùng với phát triển kỹ thuật ghép gan ở người lớn hiện nay,” ông cho biết.
Cho đến nay, Vinmec cũng là một trong số ít các bệnh viện ở Việt Nam thực hiện thường quy ghép gan cho cả trẻ em và người lớn và là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam thực hiện được việc rút ống nội khí quản ngay sau phẫu thuật ghép gan. Trong những năm qua, Vinmec đã chia sẻ kinh nghiệm trong gây mê hồi sức ghép gan với nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng ghép gan ở Việt Nam./.