Ba hệ lụy từ chính sách "gây đổ vỡ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế của Mỹ đăng bài phân tích cụ thể về 3 hệ lụy từ chính sách "gây đổ vỡ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump của chuyên gia William Reinsch.
Ba hệ lụy từ chính sách "gây đổ vỡ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 19/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đăng bài phân tích về chính sách đối ngoại của Chính quyền Trump của chuyên gia William Reinsch, Giám đốc chương trình nghiên cứu doanh nghiệp quốc tế thuộc viện nghiên cứu này. Sau đây là nội dung bài viết:

Đến thời điểm này, người dân Mỹ đã thực sự hiểu được Tổng thống Trump là "người gây đổ vỡ" - đó là từ lý giải chính xác nguyên nhân tại sao ông được bầu.

Các khối cử tri nền tảng của Trump đã chìm đắm trong lời hứa về việc ông sẽ giải quyết hết các mối lo ngại mà giới lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã phớt lờ.

Quan trọng hơn và không bình thường với một nhà chính trị, Trump dường như có ý định giữ lời hứa của mình.

Theo lẽ thường, hầu hết các cam kết trong tranh cử chỉ tồn tại từ 12-18 tháng và sau đó rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, ở trường hợp của Trump, những cam kết đó vẫn tồn tại và thường xuyên được nêu lại trong các phát biểu của ông.

Chính sách "gây đổ vỡ" của Trump thể hiện ở việc ông đã rút khỏi các thỏa thuận quốc tế (TPP, chống biến đổi khí hậu, hạt nhân Iran, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc), đe dọa rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương (KORUS, NAFTA, WTO), không tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận đa phương với đồng minh (TTIP) và muốn thay bằng các thỏa thuận song phương, hay là tấn công vào các cơ chế quốc tế như NATO và G7.

[Mỹ sẵn sàng đàm phán "thỏa thuận thực sự" về hồ sơ hạt nhân Iran]

Rõ ràng, Trump không quan tâm đến việc duy trì các cấu trúc quốc tế và các chính sách thương mại, ngoại giao vốn là biểu tượng cho vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ hơn 70 năm qua.

Hiện nay, khi người dân Mỹ là đối tượng trực tiếp chịu thiệt hại do chính sách đánh thuế hàng nhập khẩu cũng như các chính sách khác của Trump, họ bắt đầu hỏi kế hoạch của Tổng thống là gì?

Ba hệ lụy từ chính sách "gây đổ vỡ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 2Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mục tiêu nào của Trump còn cao hơn cả mục tiêu tạo việc làm cho người dân khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã đạt mức gần như kỷ lục? 

Các khối cử tri truyền thống dường như đang hài lòng theo dõi Tổng thống Trump sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, không thể hy vọng Trump sẽ xây dựng các khuôn khổ mới cho những cơ chế đã bị ông phá vỡ.

Người dân Mỹ cũng bắt đầu nghi ngờ kế hoạch thoát khỏi cuộc chiến tranh thương mại của Trump. Một số tình huống có thể dự tính nhưng tất cả chúng đều diễn biến theo chiều hướng xấu.

Đầu tiên liên quan đến những thiệt hại đặt ra cho người dân Mỹ.

Khi chính sách đánh thuế hàng nhập khẩu phát huy tác dụng và hoạt động đánh thuế ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp Mỹ đang phải cắt giảm nhân công và trì hoãn các kế hoạch đầu tư, trong khi người tiêu dùng hướng đến tình trạng "chờ để xem thế nào" khi giá cả hàng hóa bắt đầu tăng.

Trump đã nói rằng "Hãy thư giãn, mọi chuyện sẽ diễn biến tốt đẹp," nhưng ông không giải thích hoặc đưa ra lập trường nhất quán để thuyết phục người dân về dự định của ông.

[Chính sách thương mại của ông Trump – Bước đảo ngược lịch sử]

Thứ hai, rõ ràng thế giới không bị đe dọa và đang rời bỏ Mỹ.

Tuần trước, EU và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Kinh tế chiếm 30% tổng sản lượng thế giới, trong đó xóa bỏ gần như tất cả các biểu thuế giữa hai bên.

Tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố: "Chúng ta đã đạt được thỏa thuận thương mại song phương lớn chưa từng có. Đây là hành động thể hiện tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, diễn ra ở thời điểm mà một số nước đang nghi ngờ về trật tự đó. Chúng ta cũng gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng chúng ta đứng cùng nhau để chống lại chủ nghĩa bảo hộ. EU và Nhật Bản kiên trì hoan nghênh sự hợp tác. Bên cạnh thương mại, chúng ta đã thống nhất về khuôn khổ mạnh mẽ trong giải quyết hàng loạt vấn đề về an ninh, quốc phòng, năng lượng, khí hậu và trao đổi nhân dân." 

Ba hệ lụy từ chính sách "gây đổ vỡ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 3Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Washington DC., ngày 25/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Tusk không đề cập cụ thể bất cứ ai hoặc nước nào nhưng tất cả đều hiểu Tusk đang nói về ai.

Tất nhiên, Thỏa thuận EU-Nhật Bản không chỉ là duy nhất. EU còn đang làm việc với các đối tác như Canada, Mexico, Việt Nam và những nước khác. EU có kế hoạch cho tương lai và đang hành động vì điều đó. Trong khi Mỹ lại đang rút lui và bị cô lập.

['NATO là một trong các trụ cột đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ']

Thứ ba, thiếu tầm nhìn đang làm xói mòn vị thế siêu cường của Mỹ.

Mỹ chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh không phải vì Mỹ có tên lửa to hơn, mà vì Mỹ đã chứng minh rằng Mỹ có chính sách tốt hơn về kinh tế-xã hội và ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền.

Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo và Mỹ không phải luôn luôn sẵn sàng nhìn thẳng vào thất bại. Mỹ cần chỉ cho thế giới thấy những khó khăn mà chính Mỹ đang đối mặt và thuyết phục họ tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Không có tầm nhìn và sức mạnh thực sự, Mỹ chỉ có thể là một quốc gia thông thường đang tìm kiếm lợi ích của mình với mong muốn sẽ chiếm phần lớn hơn so với nước khác.

Những người tin vào chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ nên lo ngại về sự chối bỏ của Tổng thống Trump đối với những điều mà Mỹ đã ủng hộ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, vì dường như Mỹ đang tiến gần đến điểm đổ vỡ hơn bao giờ hết./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục