Bà Hồ Hương Nam là một người đặc biệt, hẳn thế, khi khởi xướng và duy trì được một lớp học dành cho người khuyết tật miễn phí suốt 18 năm qua tại An Dương, Tây Hồ, Hà Nội.
- Lớp học thần kỳ dành cho người khuyết tật của bà đã trở thành câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nó đã ra đời thế nào, thưa bà?
- Vốn là một giáo viên về hưu, năm 1992, khi tham gia công tác đoàn thể ở phường, tôi được phân công làm cộng tác viên dân số. Công tác phải đi từng ngõ, gõ từng nhà ấy giúp tôi biết được có rất nhiều trẻ em khuyết tật không biết chữ, không được đến trường. Từng là một nhà giáo, tôi không thể làm ngơ trước việc những đứa trẻ có tương lai trở thành người mù chữ. Tôi dứt khoát mở cho bằng được lớp học này.
Sau một tháng tôi thu nhận được hai cháu, phụ huynh ra điều kiện rõ ràng, nếu sau một tháng con họ không tiến bộ thì việc dạy của tôi bị dừng. Giờ thì một trong hai học trò đầu tiên đã lấy chồng, cháu còn lại 24 tuổi nhưng vẫn ngày ngày đến lớp. Đáng nói là, thời gian đầu đến lớp cháu bị liệt nửa người phải có bố chở đi, nhưng bây giờ thì đã tự tập và đi bộ được đến trường.
- Bà dạy họ những gì?
- Trong lớp học của mình tôi treo hình ảnh một trái tim lớn, tôi luôn dạy các học trò sống sao phải có tâm. Lớp học đó do chính tay tôi trang trí. Mỗi ngày các cháu sẽ được học lần lượt: thể dục, học chữ, học hát và học vẽ. Vẽ giúp các cháu phân biệt được màu sắc cơ bản, chứ tôi vốn không giỏi gì. Học trò lâu năm nhất đã đến lớp được 18 năm, học trò mới nhất đã vào lớp được một năm.
Các cháu đến từ khắp các quận, huyện ở Hà Nội. Lúc trước có một cháu từ Thạch Thất, Hà Tây (cũ) xuống đây thuê nhà trọ học, nhưng tôi đã khuyên gia đình đưa cháu về lại, vì tôi thấy như vậy khổ quá. Tôi muốn có điều kiện thì mở được một lớp trên đó, nhưng càng ngày tôi càng già, chắc không làm được việc này nữa. Tôi rất mong ai đó sẽ làm thay.
- Học trò của bà thuộc nhiều thành phần khuyết tật, độ tuổi, trình độ cũng khác nhau, bà xử lý thế nào khi để họ ngồi chung một lớp?
- Tôi chia nhóm để dạy. Các em khuyết tật ngồi bàn trên cùng, tự kỷ bàn thứ hai rồi đến học trò bị down và thiểu năng trí tuệ, các em bị vấn đề vận động được xếp ngồi cuối cùng.
Tôi chỉ không nhận học sinh mù, vì không có phương tiện dạy. Tôi dạy các em theo nhóm trình độ. Bạn cứ tưởng tượng đi, dạy một chữ O thôi, có khi mất ba tháng.
- Bà nghĩ học trò đến lớp học của mình nhận được gì ngoài con chữ?
- Đó là sự chia sẻ, là cảm giác mình không bị cô lập với thế giới này.
- Còn bà, 18 năm đi dạy với biết bao vất vả, cái bà nhận được là gì?
- Là tôi biết mình đang sống. Có người nói với tôi nghề giáo là nghề chở đò sang sông, khách sang bờ rồi sẽ rời đò đi mất. Tôi lại nghĩ họ nhận thức thế là sai rồi, bởi tôi tin người sang sông sẽ nhớ người chở đò bằng một cách nào đấy của riêng họ. Mà họ nhớ tức là họ được, họ quên thì họ mất chứ người chở đò có mất gì đâu.
- Nhưng nghề giáo bây giờ, hẳn bà biết là có lắm… than phiền…
- Tôi nghĩ tại sao lại để mọi thứ tụt dốc như vậy. Trước kia hai nghề cao quý và thanh đạm nhất là thầy giáo và thầy thuốc, ai đã biến nó thành hai nghề tai tiếng nhất?! Nhưng tôi vẫn cứ tin, chắc không hẳn tất cả đều như vậy.
- Bà nghĩ mình sẽ làm công việc này đến khi nào?
- Đến lúc nào sức khỏe không cho phép nữa thì tôi thôi. Còn tôi nghĩ mình không bao giờ chán.
- Từng ấy năm gắn bó với lớp học, hạnh phúc rất nhiều, nhưng nỗi buồn hẳn không ít. Nó là gì ạ?
- Từng có những lời xúc phạm từ chính phụ huynh các học sinh, nhưng giờ tôi đã quên hết và họ cũng đã hiểu ra hết. Tôi chỉ khắc ghi và biết ơn những người đã đón bà cháu tôi từ mô đất trống về trường.
- Bà thậm chí còn đang làm một việc tốt hơn cả những người đã dang tay đón bà về trường mà…
- Ở đời, đôi khi lòng tốt cũng cần một nơi chứa nó, nếu không, nó biết chảy về đâu, có đúng không?
Bà Hồ Hương Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc và tham gia công tác giảng dạy tại các trường cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn Hà Nội, đến năm 1977 nghỉ hưu.
Năm 1992, bà mở lớp học dành cho người khuyết tật. Lớp ban đầu chỉ có 2 người, nhưng đến nay luôn có đều đặn 15-17 học sinh.
Năm 2014, bà Hồ Hương Nam được phong tặng Danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô. Bà đồng thời nhận được Huân chương Lao động hạng 3 và Danh hiệu 5 năm tuổi cao gương sáng của Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội./.