Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, gánh nặng nợ nần đã là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu.
Trong quý 2/2013, châu Âu đã thoát khỏi suy thoái song một số nhà kinh tế vẫn hoài nghi liệu "lục địa già" có khả năng duy trì tăng trưởng, khi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao.
Kể từ mùa Hè năm 2012, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã cam kết "làm bất cứ điều gì" để hỗ trợ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Ngành chế tạo tăng trưởng trở lại đang giúp củng cố đà phục hồi còn mong manh của Eurozone và báo hiệu một sự khởi đầu tốt cho năm 2014.
Tuy nhiên, nỗi nhức nhối về vấn đề nợ của châu Âu vẫn còn đó. Các chính phủ đang phải chịu áp lực giảm thâm hụt ngân sách, trong khi các công ty phải chật vật để có thể tồn tại, khi tiêu thụ suy giảm và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt.
Với tỷ lệ thất nghiệp cao, ưu tiên số một của nhiều người dân châu Âu là phải trả hết các khoản nợ thế chấp chứ không phải phung phí vào một kỳ nghỉ hoặc đi mua sắm.
Trên thực tế, các chính sách của châu Âu như cắt giảm thâm hụt ngân sách để giảm nợ và tiến hành cải cách cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng, dường như không giảm được nhiều nợ mà thậm chí còn có thể gia tăng gánh nặng nợ trong những năm tới.
"Thắt lưng buộc bụng" đã gây ra cú đánh mạnh hơn so với dự kiến đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi những cải cách cơ cấu thúc đẩy nền kinh tế lại bị hạn chế.
Thay vào đó, thu nhập, lợi nhuận và các khoản thu thuế đã giảm, làm cho gánh nặng nợ nần trở nên nặng nề hơn.
Theo các nhà kinh tế Mỹ Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, ba giải pháp mạnh nhằm chữa trị căn bệnh nợ của châu Âu hiện nay là tái cơ cấu nợ, lạm phát và áp chế tài chính, có nghĩa là sử dụng sức mạnh của chính phủ để buộc các ngân hàng phải cung cấp tài chính giá rẻ cho nền kinh tế.
Châu Âu và các nền kinh tế đang phát triển khác không muốn theo con đường tái cơ cấu-lạm phát-áp chế tài chính để giảm nợ, song lịch sử đã cho thấy "tại hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, cơ cấu hoặc chuyển đổi lại nợ, áp chế tài chính và lạm phát cao đã trở thành những bộ phận không thể tách rời nhằm giải quyết các khoản nợ khổng lồ."
Châu Âu cũng đã tiến hành một vài bước theo con đường này.
Các chủ nợ của Hy Lạp phải gánh chịu tổn thất nặng nề, khi đất nước này tái cơ cấu nợ của họ vào năm 2012.
Các chủ nợ của các ngân hàng ở Tây Ban Nha, Cyprus, Hà Lan, Slovenia và Đan Mạch cũng thua lỗ, khi các ngân hàng nước này tiến hành tái cơ cấu.
Liên minh ngân hàng mới của Liên minh châu Âu cũng đang buộc các chủ nợ ngân hàng phải củng cố lại các ngân hàng đang lung lay.
Tuy nhiên, những bước này vẫn đang còn hạn chế. Và trong khi các chủ nợ sẽ chịu lỗ khi tái cơ cấu ngân hàng, thì hầu như chẳng có cuộc thảo luận nào về chương trình giảm nợ cho các hộ gia đình thiếu nợ ngân hàng - một vấn đề kéo dài ở các nước như Ireland, Tây Ban Nha và Hà Lan, nơi bong bóng bất động sản trở thành gánh nặng cho các hộ gia đình có khoản thế chấp lớn.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những chương trình như vậy đã giúp cắt giảm nợ sau các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, chẳng hạn như cuộc đại suy thoái ở Mỹ.
Cho đến nay, đã có rất ít chương trình giảm nợ cho các chủ sở hữu thế chấp ở châu Âu. Luật phá sản nghiêm ngặt cũng đã gây khó khăn cho việc hủy bỏ các khoản nợ.
Không giống như ở Mỹ, nơi mà một làn sóng vỡ nợ thế chấp đã giúp cắt giảm nợ hộ gia đình sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng nhà đất cho vay dưới chuẩn. Một đợt sóng lạm phát tăng cao, ngay cả khi chỉ là tạm thời, cũng có thể là cách đau đớn nhất để đưa châu Âu thoát khỏi nợ nần dai dẳng.
Tuy nhiên, ECB vẫn đang vật lộn để ngăn chặn không để khối đồng tiền chung rơi vào giảm phát hay để lạm phát vượt quá mục tiêu 2% hàng năm.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận ra những thách thức đang ở phía trước, song liệu họ có thể nắm bắt thực thi các liều thuốc mạnh hơn để cắt giảm nợ và chấp nhận sự dậy sóng của các thị trường tài chính trong khu vực.
Nhà kinh tế Reinhart và Rogoff cho rằng quy mô của vấn đề cho thấy việc tái cơ cấu sẽ là cần thiết, đặc biệt ở các nước ngoại vi châu Âu./.