Báo Sankei của Nhật Bản đã đăng bài viết nhận định về thời điểm Thủ tướng Nhật Bản sẽ giải tán Hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử.
Nội dung như sau:
Vấn đề mà giới chính trị Nhật Bản quan tâm trong năm 2021 là thời điểm Thủ tướng Suga Yoshihide giải tán Hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử. Trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) có ý kiến cho rằng “thời cơ đã qua” khi tỷ lệ ủng hộ Nội các liên tục giảm. Hạ viện Nhật Bản sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 21/10 tới và hiện có 3 giả thuyết cho rằng Hạ viện sẽ bị giải tán vào tháng Ba, tháng Sáu hoặc tháng Chín tới.
Thời điểm tháng Ba tới
Thời điểm sớm nhất là Hạ viện bị giải tán vào cuối tháng Ba tới, sau khi dự toán ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội thường kỳ vào ngày 18/1 tới với trọng tâm là thẩm định ngân sách bổ sung lần 3 năm 2020 và dự toán ngân sách năm tài khóa 2021.
Với khoản chi ngân sách khổng lồ lên đến hơn 126.000 tỷ yen, chính phủ Nhật Bản không chỉ tập trung cho các chính sách phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) mà còn dành tới 1.700 tỷ yen để để thúc đẩy số hóa.
Tháng 10/2020, nhiều ý kiến đề xuất Thủ tướng Suga giải tán Hạ viện khi tỷ lệ ủng hộ Nội các đang ở mức cao. Khi đó, Thủ tướng Suga đã phản biện rằng “Hạ viện không thể giải tán nếu trọng trách (của tôi) chưa hoàn thành.”
Do đó, thời điểm tháng Ba tới khi dự toán ngân sách năm 2021 được thông qua sẽ là cơ hội tốt để quảng bá việc “hoàn thành trọng trách” của ông Suga.
Bên cạnh đó, cũng có 2 giả thuyết củng cố khả năng Hạ viện sẽ bị giải tán vào tháng Ba tới:
Thứ nhất là việc Thủ tướng Suga bất ngờ dốc sức để sửa đổi “Luật các biện pháp đặc biệt” nhằm tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Điểm đáng chú ý trong Luật sửa đổi mới là quy định xử phạt đối với các cửa hàng không chấp hành yêu cầu của chính quyền. Đây là sự thay đổi khá lớn khi trước đó chính phủ Nhật Bản vẫn chủ trương xem xét sửa đổi Luật này sau khi dịch COVID-19 cơ bản kiểm soát.
[Nhật Bản: Đảng LDP cầm quyền chia rẽ về thời điểm giải tán Hạ viện]
Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Suga nói: "Nếu cần thiết, tôi muốn trình dự thảo luật tại kỳ họp Quốc hội thường kỳ xem xét sớm thông qua." Đảng cầm quyền LDP cũng đưa ra một loạt vấn đề sẽ được xem xét song hành với dự toán ngân sách 2021 tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Có thể thấy việc ông Suga thay đổi quan điểm chủ yếu do dịch COVID-19 bùng phát, buộc chính phủ phải sớm đưa ra những chính sách mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là tính toán cho việc giải tán Hạ viện vào cuối tháng Ba tới khi mọi việc đều “hoàn thành.”
Thứ hai là cuộc bầu cử bổ sung Hạ nghị sỹ tại khu vực bầu cử số hai ở Hokkaido và Thượng nghị sỹ tại khu vực bầu cử Nagano, sẽ diễn ra vào ngày 25/4 tới. Cuộc bầu cử bổ sung ở Hokkaido sẽ thay thế vị trí của cựu Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Takamori Yoshikawa (thành viên LDP) - người bị cáo buộc nhận hối lộ bằng tiền mặt từ một doanh nghiệp sản xuất trứng gà.
Trong khi đó, cuộc bầu cử bổ sung ở Nagano được tổ chức để thay thế Tổng thư ký Thượng viện Hata Yuichiro thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến bị tử vong đột ngột do COVID-19. Đảng Dân chủ Lập hiến có nền tảng ủng hộ vững chắc tại tỉnh Nagano, do đó, đối với LDP, cả hai cuộc bầu cử này sẽ là cuộc chiến rất khó khăn.
Nếu LDP thua cuộc, tác động gây ra đối với bầu cử Hạ viện diễn ra sau đó không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu thủ tướng Suga lựa chọn thời điểm bầu cử Hạ viện là ngày 25/4 tới hoặc trước đó thì tầm quan trọng của cuộc bầu cử bổ sung cũng như những ảnh hưởng tiêu cực sẽ bị lu mờ.
Thực tế việc giải tán Hạ viện theo phương án này có triển khai được hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19. Tại thời điểm tháng Ba tới, việc tiêm vắcxin phòng COVID-19 mới có thể được tiến hành với đối tượng là các y, bác sỹ, chứ chưa đến lượt người dân, do đó, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, rất khó để tổ chức bầu cử Hạ viện.
Thời điểm tháng 6/2021
Giả thuyết thứ hai là giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử vào giai đoạn cuối kỳ họp Quốc hội thường kỳ sẽ kết thúc vào ngày 16/6 tới. Khi đó, thời điểm bầu cử Hạ viện có thể trùng với cuộc bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo (hết nhiệm kỳ vào ngày 22/7 tới)
Chính phủ Nhật Bản chủ trương cung cấp vắcxin cho tất cả người dân trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, Olympic Tokyo 2020 dự kiến khai mạc ngày 23/7 tới. Do đó, đây cũng có thể là hai yếu tố để thủ tướng Suga tính toán khả năng bầu cử Hạ viện trước khi Olympic diễn ra.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng Tokyo năm 2017, LDP đã phải "chiến đấu" quyết liệt với Đảng vì người dân Tokyo do Thống đốc Tokyo Yuriko Koike lãnh đạo và để đã thua tới 23 ghế. Nếu cuộc bầu cử Hạ viện và cuộc bầu cử Hội đồng Tokyo được tổ chức cùng lúc, LDP có thể kỳ vọng về hiệu ứng “tổng hợp có lợi.”
Đảng Công Minh (LKP) - liên minh cầm quyền của LDP rất coi trọng cuộc bầu cử Hội đồng Tokyo và một quan chức của LKP đã nói rằng “họ sẽ tuân theo quyết định của thủ tướng.” Tuy nhiên, có thể thấy thời điểm tháng 6 khá sát với lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 và lúc đó liệu chính phủ Nhật Bản có rảnh tay để tổ chức cuộc tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc hay không lại là vấn đề.
Thời điểm tháng Chín tới
Phương án cuối và được coi là tốt nhất đối với LDP là giải tán Hạ viện và tổng tuyển cử sau khi Olympic Tokyo 2020 kết thúc vào ngày 5/9 tới. Thời điểm đó, nếu vắcxin COVID-19 được cung cấp cho toàn bộ người dân, Olympic và Paralympic Tokyo 2020 kết thúc tốt đẹp, chắc chắn sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Suga cũng sẽ tăng cao.
Thời điểm tháng Chín tới sẽ gần với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử chủ tịch LDP, tuy nhiên, một quan chức LDP thân cận với Thủ tướng Suga nói rằng “trước tiên là bầu chủ tịch LDP, sau đó sẽ tiến hành cải tổ nội các và nhân sự trong đảng nhằm củng cố sức mạnh cho cuộc bầu cử Hạ viện.”
Tuy nhiên, phương án này cũng có nguy cơ sụp đổ ngay lập tức nếu sự cố xảy ra, đó là khả năng tỉ lệ ủng hộ Nội các xuống thấp trong tháng Chín tới và LDP buộc phải giải tán Hạ viện khi không thể kiểm soát tình hình.
Việc trì hoãn tổ chức bầu cử Hạ viện sẽ tạo thời gian để phe đối lập công kích chính quyền và chuẩn bị nhân sự. Một cựu bộ trưởng của LDP cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ buộc phải tổ chức “bầu cử thụ động,” dẫn đến thất bại giống như Nội các của Taro Aso trước đây.
Thực tế, việc chọn bất kỳ phương án nào trong 3 phương án trên đều tiềm ẩn rủi ro chính trị lớn. Một bộ trưởng đương nhiệm nói: "Nếu là tôi, tôi đã giải tán Hạ viện vào mùa Thu năm ngoái. Thật tốt nếu Hạ viện được giải tán ngay sau khi thủ tướng nhậm chức và tỷ lệ ủng hộ Nội các lên đến 70%”./.