Bà Dương Thị Duyên - nữ phóng viên Thông tấn tại Hội nghị Paris

Dù sức khỏe giảm sút rất nhiều, trong ký ức của nhà báo Dương Thị Duyên, những sự kiện lịch sử mà bà đã từng tham gia cùng quãng thời gian công tác tại Thông tấn xã Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Bà Dương Thị Duyên - nữ phóng viên Thông tấn tại Hội nghị Paris ảnh 1Nhà báo Dương Thị Duyên (áo trắng) trong một cuộc míttinh của nhân dân Pháp ủng hộ lập trường đàm phán của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội nghị Paris, 1968. (Nguồn: TTXVN)

Nhà báo Dương Thị Duyên, nguyên phóng viên TTXVN từng được nhiều nhà hoạt động chính trị và thông tin báo chí quốc tế biết đến, nể phục khi tham gia Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán ở Hội nghị Paris từ năm 1968 đến 1970.

Ngôi nhà số 17 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình (Hà Nội) nơi bà ở vẫn còn lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm về thời son trẻ, những chứng tích về thời kỳ chiến tranh hào hùng của dân tộc.

Tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ

Thời gian cùng năm tháng đã ghi dấu trên gương mặt và đôi bàn tay nhưng đôi mắt của bà Duyên vẫn sáng, giọng nói rõ ràng. Dù sức khỏe giảm sút rất nhiều, trong ký ức của bà, những sự kiện lịch sử mà bà đã từng tham gia cùng quãng thời gian công tác tại Thông tấn xã Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

Bà Dương Thị Duyên sinh năm 1929, ở Hà Nội. Khi còn nhỏ, cô tiểu thư Duyên được cha là Giáo sư Dương Quảng Hàm cho theo học Trường Nữ sinh Đồng Khánh từ cấp Tiểu học và luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Năm 1943, Trường Trung học Đồng Khánh phải tản cư về thị xã Hưng Yên.

Hàng ngày, cô nữ sinh Dương Thị Duyên chứng kiến cảnh những người chết đói, lòng đau xót vô cùng. Cô và các bạn đã bớt từng nắm cơm chia cho người dân địa phương.

[Tự hào Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ: Nhân chứng lịch sử]

Những hình ảnh đẹp ấy đã lọt vào mắt các cán bộ Việt Minh. Từ đó, lý tưởng cách mạng đã được các cán bộ Việt Minh nhen nhóm trong cô. Dương Thị Duyên bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Các công việc chép tài liệu bí mật, làm liên lạc đem thư từ, tài liệu Việt Minh đến các cơ sở trong thị xã… đã đem lại nhận thức mới cho Dương Thị Duyên.

Sau này, trở về Hà Nội, Dương Thị Duyên học tiếp tú tài ở Trường Đỗ Hữu Vị. Gần đến ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Duyên cùng mẹ và các em tản cư về Mễ Sở, tỉnh Hưng Yên.

Vài tháng sau, giặc đánh Hưng Yên, gia đình lại lên Vĩnh Yên rồi ly tán mỗi người một nơi, Duyên học tiếp lớp Đệ nhất ban Tú tài Trường Chu Văn An sơ tán lên Đào Giã (Trường Trung học kháng chiến Đào Giã).

Vừa học tập, vừa tích cực tham gia Đoàn học sinh cứu quốc, tháng 10/1948, bà Duyên được kết nạp Đảng. Năm 1953, bà về công tác Việt Nam Thông tấn xã.

Những ngày ở Phòng tin miền Nam

Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Hiệp định Geneva bị phá hoại, những người yêu nước ở miền Nam bị đàn áp. Ðồng bào ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến lần thứ hai chống Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lúc này, Việt Nam Thông tấn xã thành lập bộ phận tin miền Nam (sau là Phòng tin Miền Nam) do bà Dương Thị Duyên phụ trách.

Thời kỳ đầu, phòng tin Miền Nam gặp nhiều khó khăn về nguồn tài liệu, chủ yếu phải dựa vào báo chí nước ngoài, báo chí công khai xuất bản ở Sài Gòn và các vùng địch chiếm, tin tức của phóng viên phương Tây hoạt động ở miền Nam. Về sau, Phòng tiếp cận được một số nguồn tin nội bộ, khai thác một số báo cáo của ta gửi từ miền Nam qua đường dây của một số cơ quan quân đội và Ban Thống nhất Trung ương.

Năm 1964, do yêu cầu của thông tin thời chiến, bà Dương Thị Duyên, các ông Hồ Tiến Nghị, Lê Mai (Châu Văn Quyền), Nguyễn Như Kim và một số cán bộ khác được giao nhiệm vụ biên soạn bản Tin nhanh hàng ngày phát hành 3 buổi/ngày, cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu.

Trước đó, năm 1962, trước những diễn biến của tình hình thế giới, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, Ban biên tập Tin quốc tế và Tin cho ngoài nước đã bố trí biên tập viên biên soạn một số trang Tin nhanh báo cáo trực tiếp lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về cuộc khủng hoảng này.

Ngày 30/11/1963, khi quân đội Sài Gòn với sự ủng hộ của Mỹ, làm đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, phòng Tin miền Nam đã biên soạn bản Tin nhanh phục vụ Trung ương. Khi đó, bản Tin nhanh chưa có măng sét, không in, chỉ đánh máy gửi lên trên. Cùng các bản tin khác, bản Tin nhanh đã góp phần cung cấp một lượng thông tin hữu ích cho lãnh đạo.

Thời điểm này, với tinh thần “sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt,” dù phải làm việc ngoài giờ, có lúc rất mệt mỏi,  bà vẫn cùng với đồng nghiệp trong phòng cố gắng, không quản ngại khó khăn, đồng cảm sẻ chia với cuộc sống kham khổ đầy hiểm nguy nhưng tràn đầy lạc quan, tin tưởng của đồng bào, đồng chí ở miền Nam.

Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Hồ Tiến Nghị, khi đó là biên tập viên của Phòng tin miền Nam chia sẻ, với ông, bà Dương Thị Duyên thực sự là một người phụ nữ làm báo xuất sắc, một nhà ngoại giao bản lĩnh và khôn khéo.

“Đầu những năm 60, tôi bắt đầu công tác tại Việt Nam Thông tấn xã và được chị Duyên trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo. Chị không chỉ là người đặc biệt giỏi về chuyên môn, sự nhạy cảm, bản lĩnh chính trị mà còn sống hết mình với anh em đồng nghiệp.

Chúng tôi được chị chỉ bảo, uốn nắn từng nét viết, từng từ ngữ để đảm bảo những bản tin của Việt Nam Thông tấn xã được chính xác, đầy đủ”, ông Hồ Tiến Nghị bày tỏ được sự khâm phục khi nói về người đồng nghiệp - người chị đã gắn bó và dìu dắt mình trong thời kỳ mới vào ngành.

Hoàn thành nhiệm vụ kép trong “Đoàn 37”

Trong sự nghiệp công tác của mình, bà Dương Thị Duyên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tham gia Đoàn công tác của Việt Nam sang Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Paris về Việt Nam. Năm 1968, Việt Nam chủ trương mở mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris. Một đoàn cán bộ 37 người được tuyển chọn đi đợt đầu tiên nên mang bí số là “Đoàn 37.”

Chuẩn bị khai mạc Hội nghị Paris về Việt Nam, bà Duyên ở trong đoàn tiền trạm, sang trước để lo mọi mặt. Tháng 5/1968, khi mới sang bỡ ngỡ, chưa liên hệ được chỗ ở, Đoàn tiền trạm phải ở khách sạn loại xoàng cho đỡ tốn kém, vất vả nhất là luôn phải tìm cách thoát khỏi sự đeo bám của phóng viên báo chí các nước tập trung rất đông ở Paris để moi tin, vì lúc đó cuộc đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ là một trọng tâm chú ý của dư luận thế giới, thậm chí ngay trong phòng khách sạn, muốn trao đổi công việc với nhau phải viết ra giấy vì sợ bị cài máy ghi âm nghe trộm.

Sau này, Đảng Cộng sản Pháp cho Đoàn Việt Nam mượn địa điểm, đoàn mới có chỗ ở ổn định. Trong những năm tháng công tác tại Paris, bà Duyên đã hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ: nhiệm vụ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã thường xuyên gửi tin, bài kịp thời về Tổng xã ở Hà Nội và nhiệm vụ một thành viên đóng góp tích cực của “Đoàn 37.”

Trình độ tiếng Pháp tốt, bà được phân công tham gia vận động quần chúng, tiếp các đoàn khách, nhất là phụ nữ từ các địa phương của nước Pháp và các nước khác đến tìm hiểu tình hình; đồng thời đi các địa phương của nước Pháp nói chuyện tại các cuộc hội họp, míttinh để giúp nhân dân Pháp hiểu rõ tình hình Việt Nam, ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Bà đã đi nói chuyện tại nhiều địa phương khắp các vùng, miền của nước Pháp, đến cả một số nước lân cận như Italy, Bỉ, Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức…

Qua những chuyến đi ấy, bà thu thập được nhiều thông tin, tư liệu quý về phong trào nhân dân các nước ủng hộ Việt Nam để viết tin, bài cho Việt Nam Thông tấn xã.

Nhiều nhà trí thức, nhà báo Mỹ đến tận trụ sở Đoàn Việt Nam bày tỏ chính kiến của họ về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Bà cùng cán bộ trong đoàn tiếp họ với thái độ chân thành, cởi mở và phân tích với họ những điều chưa rõ.

Có thể nói, từ khi có Đoàn Việt Nam ở Paris, không khí chính trị ở châu Âu đã nóng lên qua những hoạt động vì Việt Nam của những người tiến bộ, dân chủ, hòa bình.

Tình cảm son sắt với Thông tấn xã Việt Nam

Năm 1970, bà được về nước và được giao phụ trách Bộ phận biên tập tin thế giới của Việt Nam Thông tấn xã. Thời kỳ ấy, Mỹ ngày càng leo thang đánh phá miền Bắc, rồi sử dụng B52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội và nhiều thành phố khác.

Để bảo toàn lực lượng và bảo vệ máy móc, cơ quan Việt Nam Thông tấn xã đã sơ tán một số bộ phận về các vùng nông thôn. Phòng Thế giới cũng chia làm hai: một số anh chị em làm việc ở nơi sơ tán, một số ở lại làm tin ở trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt.

Tuy có khó khăn, các bản tin của Phòng Thế giới vẫn ra đều. Đặc biệt là bản Tin nhanh, không những mỗi ngày ra mấy bản mà khi có tin quan trọng, cấp bách thì dù ngày hay đêm cũng lập tức phát ngay để kịp thời phục vụ yêu cầu nghiên cứu của lãnh đạo.

Đầu năm 1973, Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Lúc này, các cán bộ nhân viên của Phòng Thế giới từ nơi sơ tán trở về, Phòng tập trung được lực lượng, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong công tác.

Những đóng góp và thành tích của tập thể cán bộ Phòng Thế giới được ghi nhận. Theo quyết định của lãnh đạo, Phòng Thế giới chuyển thành Ban biên tập Tin thế giới, đánh dấu thêm bước trưởng thành của đơn vị và bà trở thành nữ Trưởng ban đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam.

Năm 1976, bà được giao nhiệm vụ chuyển sang Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để làm Trưởng Ban Quốc tế phụ nữ. Rời sang cơ quan mới, bà không quên và vẫn luôn nhớ viết tin cho Thông tấn xã Việt Nam khi có những hội nghị quốc tế bà tham dự mà Thông tấn xã Việt Nam không có điều kiện cử người đến, về những nước bà tới hoạt động lúc đó chưa có phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam. Có thể nói, tuy đã rời cơ quan, bà vẫn là một cộng tác viên nhiệt thành của Thông tấn xã Việt Nam.

Nhắc đến từng giai đoạn của cuộc đời, đôi mắt của bà lại sáng lên, nhất là với những kỷ niệm thời kỳ bà ở Pháp để chuẩn bị cho Hội nghị Paris với vai trò là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Có lẽ tình cảm son sắt đối với Thông tấn xã Việt Nam chưa bao giờ vơi đi mà vẫn luôn được lưu giữ nơi trái tim của người phụ nữ bé nhỏ mà sắc sảo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục