Cát Hải đang phấn đấu trở thành một trọng điểm phát triển của thành phố Hải Phòng với ba định hướng: cảng Lạch Huyện trở thành cảng cửa ngõ quốc tế, cửa chính đi ra biển của các tỉnh phía Bắc; đảo Cát Hải trở thành một khu công nghiệp hiện đại; đặc biệt, huyện đang tập trung các nguồn lực lớn xây dựng và phát triển Cát Bà trở thành một trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia và quốc tế.
Đảo nhỏ đón Bác về thăm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hải Phòng. Người đã 9 lần về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cảng.
Trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội sau hòa bình lập lại ở miền Bắc tại một số đảo thuộc vùng Đông Bắc Tổ quốc, ngày 31/3/1959, huyện Cát Bà, Cát Hải vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về thăm.
Sự kiện này thể hiện sự chăm lo của Bác đối với đồng bào, chiến sỹ nơi đảo xa. Đây là nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá, cổ vũ quân dân huyện đảo hăng say lao động và sản xuất, quyết tâm bảo vệ vững chắc phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
[Hải Phòng thực hiện thu hút đầu tư mới: Bứt phá từ nội lực]
Bác Hồ dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi nhân dân, Bác ân cần căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo "Rừng là vàng, biển là bạc, rừng biển của ta, do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc."
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải Phạm Quang Hiển, thực hiện lời dạy của Bác, 61 năm qua, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng dù trong lửa đạn khốc liệt của chiến tranh, hay trước sóng gió, phong ba và thử thách cam go của cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Cát Hải luôn không ngừng khắc phục khó khăn, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm bảo vệ biển đảo, từng bước xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Từ một huyện đảo xa đất liền, nghèo nàn, lạc hậu, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; không có điện, nước máy; giao thông cách trở, đi lại chỉ có duy nhất một tuyến đường biển, mỗi ngày một chuyến tàu chạy từ 4-5 giờ; kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, đời sống nhân dân thiếu thốn; con em đến trường, đến lớp không được đầy đủ vì thiếu thầy cô giáo, thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học...
Song, được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và thành phố Hải Phòng, bằng trí tuệ và sự năng động, đoàn kết và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Cát Hải đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, xây dựng huyện đảo không ngừng đổi mới và phát triển.
Huyện Cát Hải đang phấn đấu dần trở thành một trọng điểm phát triển của thành phố Hải Phòng với ba định hướng: Cảng Lạch Huyện trở thành Cảng cửa ngõ quốc tế, cửa chính đi ra biển của các tỉnh phía Bắc; đảo Cát Hải trở thành một khu công nghiệp hiện đại; đặc biệt, huyện đang tập trung các nguồn lực lớn xây dựng và phát triển Cát Bà trở thành một trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia và quốc tế.
Đảo của tiềm năng, lợi thế
Nằm về phía Đông Nam thành phố Hải Phòng, quần đảo Cát Bà có diện tích gần 300km2, là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; với 366 hòn đảo lớn nhỏ, có vườn Quốc gia Cát Bà, có nhiều vịnh đẹp, được Thủ tướng Chính phủ công nhận vùng biển Cát Bà là khu bảo tồn biển của Việt Nam (năm 2003), quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004); được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2013).
Huyện Cát Hải đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ để trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, Cát Hải đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp và bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thường xuyên được quan tâm thông qua các hoạt động lễ hội truyền thống hằng năm, quảng bá trên các phương tiện truyền thông từ địa phương tới trung ương; các hội thảo, hội chợ xúc tiến du lịch; tổ chức các hoạt động khai mạc du lịch Cát Bà hằng năm...
Cùng với đó, huyện đảo đã xây dựng và phát triển được đội tàu du lịch chất lượng cao, nghỉ đêm trên vịnh Cát Bà.
Các sản phẩm du lịch phát triển đa dạng như du lịch sinh thái, khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà; du lịch cộng đồng tại các địa phương, du lịch hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch lễ hội, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch mạo hiểm leo núi, chèo thuyền kayak... tạo nên sức hấp dẫn của du lịch Cát Bà nói riêng và du lịch thành phố Hải Phòng nói chung; thương hiệu "Cát Bà - điểm đến an toàn, thân thiện và nghĩa tình" ngày càng được được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Động lực để cất cánh...
Nhận định về huyện Cát Hải, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng bên cạnh việc khánh thành, đưa vào vận hành hai bến khởi động cảng quốc tế Lạch Huyện, cầu đường vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện, thành phố cùng Tập đoàn Vingroup đã khánh thành và đưa Nhà máy sản xuất, chế tạo ôtô Vinfast vào sản xuất, đánh dấu một biểu tượng mới, một bước phát triển mới của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Đồng thời, thành phố cùng Tập đoàn Sun Group xây dựng hệ thống cáp treo vượt biển ra đảo Cát Bà, đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện thực hóa giấc mơ nối liền Cát Hải với Cát Bà của các thế hệ người dân huyện đảo.
Thêm nữa, hai khách sạn 5 sao đầu tiên tại đảo Cát Bà cũng đi vào hoạt động trong tháng 5 vừa qua...
Những công trình, dự án trên thực sự là một kỳ tích, có ý nghĩa rất to lớn trong việc thực hiện quy hoạch, định hướng xây dựng phát triển thành phố Hải Phòng, làm biến chuyển một cách căn bản nền kinh tế, xã hội của một huyện đảo vốn còn nhiều khó khăn, đưa Cát Hải vươn lên thành một trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo cũng như toàn thành phố Cảng.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải Phạm Quang Hiển, Đảng bộ huyện Cát Hải xác định rõ mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là "Xây dựng và phát triển huyện Cát Hải trở thành trọng điểm kinh tế biển của thành phố, trở thành đảo thông minh, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế; đảo Cát Hải thành trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại; chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh."
Huyện đảo phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,5 %/năm; tỷ trọng ngành du lịch-dịch vụ chiếm trên 80%, công nghiệp trên 15%, nông-lâm-thủy sản dưới 5%; khách du lịch đạt 6 triệu lượt khách trở lên, trong đó có 1,7 triệu lượt khách quốc tế.
Tổng thu ngân sách địa phương đạt 840 tỷ đồng, thu ngoài quốc doanh đạt trên 250 tỷ đồng; cơ bản đảm bảo tự cân đối ngân sách chi thường xuyên; tổng mức vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 125 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) dưới 0,2%; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.../.