Ba công ty thủy điện bị phạt vì đưa nhà máy chưa nghiệm thu hoạt động

Công ty Cổ phần Năng lượng Lâm Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Thiết bị Điện và Cơ khí Nhật Anh và và Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô bị xử phạt 720 triệu đồng.
Ba công ty thủy điện bị phạt vì đưa nhà máy chưa nghiệm thu hoạt động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 20/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện đối với ba công ty thủy điện trên địa bàn.

Cả ba đơn vị này đều có hành vi vi phạm là vận hành công trình thủy điện khi chưa được nghiệm thu.

Các công ty bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt hành chính gồm Công ty Cổ phần Năng lượng Lâm Hà (trụ sở tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà); Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất Thương mại Thiết bị Điện và Cơ khí Nhật Anh (trụ sở tại Thành phố Đà Lạt) và Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô (trụ sở chính tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông).

[Lùm xùm thanh toán công nợ ảnh hưởng tiến độ Thủy điện Thác Bà 2]

Trong số đó, Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô bị xử phạt tổng cộng 360 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với nhà máy thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.

Hành vi này đã vi phạm quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 6 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ).

Với hành vi vi phạm tương tự, Công ty Cổ phần Năng lượng Lâm Hà (nhà máy thủy điện Sar Deung 2) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Thiết bị Điện và Cơ khí Nhật Anh (thủy điện Đa Trou Kea) cũng bị xử phạt 180 triệu đồng/đơn vị.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các công ty nêu trên phải nộp tiền bị xử phạt trong vòng 60 ngày. Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện để bổ sung vào ngân sách nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục