Trong tối 26/9, thời điểm diễn ra cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump, gần như mọi hãng tin lớn, gồm cả những nơi có quan điểm bảo thủ, đều đồng tình rằng bà Hillary đã thắng.
Nhưng suốt tối đó và tới tận sáng ngày hôm sau, nhiều người trên Twitter đã chia sẻ hàng loạt kết quả thăm dò khác, do nhiều tổ chức thực hiện nhanh trên Internet, cho thấy ông Trump đã thắng, với tỷ lệ áp đảo.
Điều này có thể khiến công chúng đặt ra dấu hỏi nghi vấn, về việc các hãng tin lớn đã giữ định kiến chống lại Trump. Có thể các nhà báo làm việc cho những cơ quan báo chí lớn chỉ ủng hộ tầng lớp tinh hoa tại Mỹ. Âm mưu của họ nhằm chống lại Trump, vì thế, đã lộ ra quá rõ.
Thực tế thì phương thức tiến hành những cuộc thăm dò kể trên rất có vấn đề. Trang Mashable đã dẫn ví dụ là một danh sách kết quả nhiều cuộc thăm dò được trang tin tức bảo thủ The Drudge Report chia sẻ. Ở đầu danh sách là một cuộc thăm dò trông có vẻ khoa học, do ABC News thực hiện.
Drudge tuyên bố theo cuộc thăm dò này, 54% những người tham gia lựa chọn bỏ phiếu cho Trump, theo sau là các ứng viên độc lập Jill Stein với 21%, Gary Johnson với 15% và chỉ 10% ủng hộ bà Hillary Clinton. Vấn đề nằm ở chỗ Stein và Johnson được đưa vào danh sách thăm dò, dù họ không tham gia tranh luận trực tiếp.
Cuộc thăm dò này thực tế do một trang giả dạng trang ABC News tiến hành, tại địa chỉ abcnewsgo.co, thay vì địa chỉ chính thức của trang tin là abcnews.go.com. Nhưng kết quả của nó đã được đưa vào danh sách của Drudge và được nhiều nhóm ủng hộ ông Trump chia sẻ với hastag #TrumpWon.
Những cuộc thăm dò khác không được "khoa học" như thế. Cuộc thăm dò của trang tin Slate, tờ Time, Breitbart, và CNBC đều cho kết quả ông Trump chiến thắng. Dù Slate và Time đã cảnh báo độc giả rằng kết quả thăm dò do họ tiến hành chỉ mang tính chất vui vẻ và không khoa học, các kết quả ấy vẫn được những người ủng hộ Trump sử dụng, phát tán rộng rãi trên Internet, nhằm chống lại quan điểm ngự trị trên nhiều tờ báo lớn rằng bà Hillary thắng cuộc.
Có một thực tế rằng thăm dò qua Internet rất dễ bị tác động để cho ra kết quả sai. Dường như diễn đàn 4chan nổi tiếng cũng đã nhập cuộc, khi một người dùng nặc danh lên đây kêu gọi thành viên bỏ phiếu cho ông Trump trong các cuộc thăm dò hậu tranh luận tay đôi.
Nhưng ngay cả khi 4chan không thể gây ảnh hưởng thì các cuộc thăm dò qua Internet như đã nêu ở trên vẫn thường được xem là không khoa học. Nguyên nhân do người ta không thể xác định xem các cá nhân bỏ phiếu có đại diện cho công chúng Mỹ hay không. Ngoài ra, kết quả thăm dò qua Internet có thể được thao túng rất dễ dàng, do hoạt động này khó giám sát. Người thăm dò có thể tiến hành bỏ phiếu rất nhiều lần, chỉ bằng cách đổi trình duyệt Internet.
Để so sánh, cuộc thăm dò của hãng tin CNN được tiến hành nhờ phỏng vấn qua điện thoại (gọi vào số cố định và điện thoại di động.) Nó cho thấy 62% bỏ phiếu ủng bộ bà Clinton và 27% ủng hộ ông Trump - một sự cách biệt rất lớn.
Bản thân cuộc thăm dò này cũng có những khiếm khuyết nhất định, khi số người tham gia thăm dò có quan điểm ủng hộ phe Dân chủ đông hơn khoảng 15% so với những người ủng hộ phe Cộng hòa. Tuy nhiên CNN chỉ ra rằng trong nhóm cử tri có quan điểm trung lập, 54% đã ủng hộ bà Clinton và chỉ 33% ủng hộ ông Trump.
Dựa vào đó, CNN tự tin tuyên bố cuộc thăm dò của họ có sai số chỉ khoảng 4,5%.
Vấn đề là cộng đồng mạng (ủng hộ ông Trump) không quan tâm nhiều tới các dữ liệu khoa học đứng sau cuộc thăm dò mà chỉ muốn thấy kết quả họ mong đợi. Điều này dẫn tới việc trong suốt buổi sáng sau ngày diễn ra tranh luận tay đôi, các ảnh chụp màn hình kết quả thăm dò cho thấy ông Trump thắng, cùng hastag #TrumpWon, đã gây bão trên Twitter./.