Ba cây bằng lăng nước ở An Giang được công nhận là Cây di sản

Ba cây bằng lăng nước trồng theo một hàng ngang sau Miếu Bằng Lăng, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, một cây có tuổi đời trên 215 năm; hai cây còn lại trên 305 tuổi.
Lễ trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Ban quản lý Miếu Bằng lăng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 6/4, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận và gắn biển Cây di sản Việt Nam cho ba cây bằng lăng nước trong khuôn viên Miếu Bằng Lăng, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết ba cây bằng lăng nước trồng theo một hàng ngang sau Miếu Bằng Lăng, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa (L.) Pers.

Cả ba cây bằng lăng nước này rất quý hiếm và độc nhất, có tuổi đời trên 200 năm (một cây ở hướng Đông của Miếu có tuổi đời trên 215 năm; hai cây còn lại trên 305 tuổi); chiều cao trung bình hơn 8m, chu vi thân cây 4m (đo ở độ cao cách mặt đất 1,3m), khoảng cách 9m, tán mỗi cây rộng 6m. Đặc biệt, tán cây này không chồng lấn sang tán cây khác.

Ông Trương Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) nhấn mạnh ba cây Bằng lăng nước trong khuôn viên Miếu Bằng Lăng đã gắn liền với lịch sử khai phá và phát triển của vùng đất Phú Lâm-Chợ Vàm nói riêng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nói chung; góp phần khẳng định quá trình khai hoang lập ấp, sinh sống của người dân vùng đất này. Đặc biệt, ba cây Bằng lăng này với thân cây to, có nhiều hốc lớn, từng là nơi giúp cán bộ cách mạng cất giấu tài liệu và lẩn tránh kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh.

Ba cây Bằng Lăng được công nhân là Cây di sản Việt Nam. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Việc ba cây Bằng lăng được vinh danh là Cây di sản Việt Nam một lần nữa khẳng định công tác bảo vệ môi trường, công tác giữ gìn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái tại địa phương được chính quyền và cộng đồng dân cư hết sức coi trọng; đồng thời thể hiện thái độ biết ơn với các di sản tiền nhân để lại.

Hoạt động vinh danh Cây di sản sẽ khơi dậy sức mạnh của cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, niềm tự hào về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và ý thức văn hóa, lịch sử gắn với đời sống cộng đồng dân cư; đồng thời quảng bá cho hoạt động du lịch, các nét đẹp văn hóa của địa phương.

Trên địa bàn An Giang, ngoài ba cây bằng lăng nước tại thị trấn Chợ Vàm còn có năm cây cổ thụ khác trên địa bàn tỉnh được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Cụ thể, huyện Tịnh Biên có cây dầu rái trên 400 tuổi ở xã An Cư và huyện Tri Tôn có bốn cây gồm cây dầu rái trên 700 tuổi ở xã Cô Tô; cây me chua trên 500 tuổi ở xã Núi Tô; hai cây vải thiều mỗi cây trên 300 tuổi ở xã An Tức.

Ngoài các cây trên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện địa phương còn nhiều cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có cây da ở xã Khánh An (huyện An Phước) tuổi đời trên 400 năm, gốc cây rộng 18 người ôm mới giáp. Cây da này đã được công nhận kỷ lục Guiness là Cây da lớn nhất Việt Nam vào năm 2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục