Ba bước giúp thí sinh

Ba bước giúp thí sinh chọn nghề, trường phù hợp

Một nghề mình thích nhưng không có sở trường, không có năng lực, tính cách và tố chất phù hợp thì thí sinh không nên lựa chọn.
Từ nay đến hết ngày 10/4, thí sinh sẽ phải quyết định chọn nghề, chọn trường cho mình. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng biết cách để có lựa chọn phù hợp.

Theo ông Hoàng Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Sao Việt, thí sinh nên lưu ý trước tiên là chọn ngành, rồi đến chọn nghề và cuối cùng là chọn trường.

Bước 1: Chọn ngành


Đầu tiên thí sinh phải xác định được ngành vì một ngành có rất nhiều nghề. Các ngành cơ bản gồm khoa học xã hội, kinh tế, luật, kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông-lâm-thủy sản, y dược, thể dục thể thao, sư phạm.

Mỗi ngành có một đặc thù riêng về tính chất công việc, những tố chất cần có để làm việc tốt nhất. Thường bước chọn ngành tương đối dễ vì mỗi ngành gắn với khối thi đặc thù. Chẳng hạn khối C, D thi khoa học xã hội; khối A thi kinh tế, kỹ thuật-công nghệ, khoa học tự nhiên; khối B thi nông-lâm-thủy sản, y dược…

Hơn nữa, các ngành này cũng có điểm khác biệt tương đối rõ về yêu cầu như người thích tìm hiểu về cây cối, yêu sinh vật có thể theo nông-lâm-thủy sản; người có tư duy logic tốt, ham nghiên cứu có thể theo khoa học tự nhiên; người ham tìm hiểu các vấn đề xã hội theo khoa học xã hội và nhân văn…

Bước thứ 2 là chọn nghề

Sau khi xác định được ngành, học sinh tìm hiểu các nghề trong ngành đó để chọn cho phù hợp. Chẳng hạn trong kinh tế có kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…

Nhiều học sinh chọn nghề theo sở thích. Tuy nhiên điều này là sai lầm. Việc chọn nghề dựa trên tiêu chí cơ bản nhất sở trường. Sở thích có thể trùng hoặc không trùng với sở trường.

Sở thích đôi khi chỉ là cảm tính, có thể thay đổi theo thời gian, còn sở trường tương đối ổn định. Hơn nữa, một nghề mình thích nhưng không có sở trường, không có năng lực, tính cách, tố chất phù hợp thì cũng khó thành công và không nên lựa chọn.

Vì thế, học sinh nên tìm hiểu về các ngành nghề qua báo chí, internet hoặc những người đã làm nghề đó để hiểu rõ công việc sẽ làm sau này, yêu cầu về phẩm chất, tính cách, kỹ năng của nghề đó là gì. Sau đó, tự khám phá bản thân xem có phù hợp với nghề đó hay không.

Bước thứ 3 là chọn trường

Sau khi đã xác định được nghề, bước tiếp theo là chọn trường. Trước hết, học sinh lọc ra tất cả các trường có đào tạo nghề mà mình đã chọn.

Cùng một nghề nhưng có rất nhiều trường đào tạo với nhiều cấp độ (từ đại học, cao đẳng đến hệ trung cấp). Đặc thù đào tạo mỗi trường cũng khác nhau.

Việc chọn trường dựa trên nhiều tiêu chí như năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình, đặc thù đào tạo…

Các em phải xác định được năng lực học tập của mình. Tiếp đó, trên cơ sở điểm chuẩn đầu vào của các trường trong một vài năm gần đây để biết mình có thể đủ điểm đỗ vào nhóm trường nào.

Yếu tố quan trọng thứ hai là phải căn cứ vào khả năng tài chính gia đình. Nhiều trường có điểm đầu vào thấp nhưng học phí tương đối cao. Nếu kinh tế không tốt, thí sinh có thể chọn học nghề đó ở hệ dưới như cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Sau khi học các trường này, các em có thể vừa đi làm vừa đi học liên thông lên cao đẳng, đại học.

Sau khi chọn được nhóm trường mà mình có thể thi đỗ, có đủ năng lực tài chính, thí sinh tìm hiểu thông tin về trường để quyết định. Các yếu tố cần cân nhắc là đặc thù đào tạo, chất lượng đào tạo và khả năng học liên thông hoặc học lên cao hơn, cơ hội học bổng, vị trí địa lý…

Cùng đào tạo một nghề nhưng mỗi trường có đặc thù khác nhau, trường thiên về nghiên cứu, trường nặng hơn về thực hành, hoặc mỗi trường chuyên sâu hơn, có ưu thế hơn về một khía cạnh nhỏ nào đó của nghề.

Năm học 2010-2011, cả nước có 434 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Chất lượng đào tạo các trường đương nhiên là có sự khác nhau. Học trường có uy tín hơn thì kiến thức học được sẽ tốt hơn và tấm bằng khi tốt nghiệp cũng “nặng cân” hơn.

Với những bạn không có điều kiện kinh tế hoặc khả năng học tập ở mức trung bình, lựa chọn học trung cấp, cao đẳng và có ý định học lên thì chú ý hơn tới trường có liên kết đào tạo liên thông. Thường khi học liên thông ở chính trường mình đã học sẽ thuận lợi hơn là học ở một trường khác./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục