Ba bước để Ấn Độ phá bỏ sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí

Khoảng hơn 90% thiết bị được sử dụng trong các lực lượng vũ trang của Ấn Độ có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu quan trọng,
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ. (Nguồn: Zee News)

Theo trang mạng moneycontrol.com, dù hành động can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine có sớm kết thúc hay không thì nó cũng khiến chính phủ Ấn Độ nhận ra nguy cơ của việc phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí nhập khẩu. Có 2 khía cạnh được quan tâm đặc biệt:

Thứ nhất, nguy cơ bị cắt giảm phụ tùng quân sự trong trường hợp cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài trong tương lai, mặc dù điều đó rất khó xảy ra, vì khi đó Điện Kremlin sẽ ưu tiên cho việc tiếp viện cho quân đội của họ.

Với phía Đông Ladakh được Ấn Độ xem là biên giới trực tiếp với Trung Quốc, cũng như tiền tuyến Arunachal Pradesh, việc đóng cửa đường ống dẫn dầu vì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, các giao dịch ngân hàng bị đóng băng, v.v., có thể là một thảm họa đối với Ấn Độ nếu Bắc Kinh quyết định nối lại các hành động thù địch.

Mùa Hè là thời tiết lý tưởng cho một chiến dịch sắp đến gần và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dường như rất muốn giao chiến với quân đội Ấn Độ.

Thứ hai, đó là vấn đề đối với lĩnh vực sáng tạo của Ấn Độ. Khoảng hơn 90% thiết bị được sử dụng trong các lực lượng vũ trang của Ấn Độ có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu quan trọng, việc bảo trì đòi hỏi số lượng phụ tùng thay thế và hỗ trợ bảo trì khổng lồ.

Tuy nhiên, vốn chủ yếu được quân đội sử dụng vào các hoạt động mua mới theo tiêu chuẩn “hiện đại hóa lực lượng”, chứ không phải để lấp đầy “khoảng trống” - lượng thiếu hụt phụ tùng thay thế lên tới 60-70%, điều mà một ngành công nghiệp quốc phòng đặc biệt kém hiệu quả trong lĩnh vực này không thể bù đắp.

Do đó, các lực lượng vũ trang Ấn Độ bị hạn chế cả về thời gian và cường độ chiến đấu trong trường hợp xảy ra xung đột. Chẳng hạn, xung đột Ấn Độ-Pakistan chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì quân đội hai nước đều nhanh chóng hết đạn.

Nhưng Trung Quốc, gần như hoàn toàn tự túc về vũ khí và với một nền công nghiệp quốc phòng đủ năng lực, có thể chiến đấu trong thời gian dài nếu PLA buộc phải đưa ra quyết định như vậy.

[Ấn Độ thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos]

Trong mọi trường hợp, các bộ trưởng yêu cầu tự lực về vũ khí, và những người đứng đầu các lực lượng vũ trang đã tuyên thệ về điều đó. Nhưng đó là một vỏ bọc, một khi cuộc khủng hoảng kết thúc, mọi người sẽ trở lại làm mọi việc theo cách cũ bởi vì sẽ phải mất hàng thập kỷ để chính phủ, quân đội và ngành công nghiệp Ấn Độ mới có thể hiểu nhau và tăng tốc.

Tuy nhiên, có một giải pháp thay thế tập trung vào 3 mũi nhọn có thể mang lại kết quả trong thời gian ngắn:

Đầu tiên, chính thức chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu vũ khí.

Thứ hai, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực quốc phòng và hệ sinh thái sản xuất bằng cách đưa các công ty khu vực tư nhân đủ năng lực làm nhà thầu chính trong các dự án quốc phòng tầm cỡ.

Chẳng hạn như Larsen & Toubro, công ty đã sản xuất các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Arihant, nên được giao phụ trách chương trình tàu ngầm diesel 75i; DRDO nên chuyển cho Tata Aerospace & Defense và chuyển mã nguồn của máy bay chiến đấu Tejas 1A cũng như những máy bay thế hệ sau của nó (máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến) cho Mahindra Aerospace; và Bharat Forge nên được giao phó phụ trách cải tiến xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun và thiết kế một xe tăng hạng nhẹ để sử dụng ở Ladakh và Sikkim.

Các chương trình này sẽ thiết lập các cấp độ mở rộng của các MSME chuyên dụng và công nghệ cao liên quan, với các dây chuyền sản xuất bổ sung cho máy bay chiến đấu Tejas, Arjun MBT và xe tăng hạng nhẹ, tăng số lượng các hạng mục này do các đơn vị quốc phòng sản xuất để cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ và để xuất khẩu.

Ngoài ra, việc các tổ hợp công nghiệp thuộc khu vực tư nhân được sắp xếp hợp lý sẽ giảm thiểu lãng phí, cắt giảm quy mô và gia tăng giá trị. Ví dụ, L&T chỉ cần mua một thiết kế tàu ngầm từ một nhà cung cấp nước ngoài và một số công nghệ chọn lọc, chẳng hạn như cột buồm quang điện tử, vì họ đã học được cách chế tạo và lắp ráp tất cả những thứ còn lại.

Điều này sẽ làm giảm chi phí, ước tính từ 8 tỷ USD đến 10 tỷ USD, xuống chỉ còn 1 tỷ USD. Để sẵn sàng tiến hành hoặc duy trì một cuộc chiến kéo dài, những sáng kiến này có thể mất 5 năm mới có kết quả.

Trong khi đó, với việc nhập khẩu bị ngừng trệ, sức mạnh quân sự thông thường của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng để đảm bảo an ninh quốc gia, Ấn Độ nên làm những gì Trung Quốc và Triều Tiên đã làm để bù đắp cho sự thua kém về quân sự thông thường của họ so với Mỹ: Họ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu. Điều này ngăn cản Washington phát huy lợi thế của Mỹ.

Mũi nhọn thứ ba của chính sách thay thế là Ấn Độ nên công bố một học thuyết và chiến lược hạt nhân đã được điều chỉnh cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trước nhưng chỉ để đối phó với Trung Quốc.

Các tên lửa đạn đạo tầm xa Agni, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao, hiện đã được đưa vào kho vũ khí của Ấn Độ như một vũ khí răn đe để ngăn quân đội Trung Quốc xâm phạm hệ thống phòng thủ của Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục