Ngày 10/1, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết các điều kiện cho một hiệp ước hòa bình với Armenia đã được "tạo ra," đồng thời nhấn mạnh ông không muốn xảy ra một đợt xung đột mới.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Aliyev nêu rõ quan trọng nhất là đã có các điều kiện thực tế cho việc ký kết một hiệp ước hòa bình, do đó việc cần làm hiện nay là tích cực đưa những yếu tố này vào văn kiện chính thức.
Dù không phản đối việc các nước bên ngoài muốn hỗ trợ quá trình hòa giải giữa Azerbaijan và Armenia nhưng ông Aliyev cho rằng không cần thiết phải có bên bảo lãnh cho hiệp ước hòa bình giữa hai nước vì đây là vấn đề song phương và cần hai nước phải tự giải quyết để căng thẳng hiện nay không trở thành vấn đề địa chính trị.
Nhà lãnh đạo Azerbaijan cũng tin tưởng rằng sẽ không xảy ra cuộc xung đột mới nào với Armenia và ông khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình để ngăn chặn điều này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cho rằng dù có một số tiến bộ nhưng trong các đề xuất mới nhất của Azerbaijan về việc ký kết một hiệp ước hòa bình lại có "bước lùi."
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hy Lạp Giorgos Gerapetritis, ông Mirzoyan nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản làm cơ sở để ký kết một thỏa thuận hòa bình là rất quan trọng, trong đó Azerbaijan phải công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia, các tiêu chuẩn về phân định ranh giới trong tương lai cần được xác định rõ ràng. Theo ông, Armenia mong muốn tiếp tục đàm phán với Azerbaijan.
Armenia và Azerbaijan tiến hành đàm phán phân định biên giới
Những tuần gần đây, Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình nhằm khép lại hàng thập kỷ xung đột ở Nagorny-Karabakh-vùng núi nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan.
Một quan chức trong Quốc hội Armenia cho rằng các cuộc đàm phán với Azerbaijan nên được tiếp tục theo các thể thức đã được thiết lập trước đây như cuộc gặp cấp ngoại trưởng tại Mỹ và cấp lãnh đạo quốc gia do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, nhằm tăng tính hợp pháp cho các cuộc đàm phán.
Gần đây, Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình nhằm khép lại hàng thập kỷ xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh - vùng núi nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đa số dân sinh sống là người gốc Armenia.
Các cuộc đàm phán hòa bình do quốc tế làm trung gian trước đó đã không tạo ra bước đột phá. Dù lãnh đạo cả hai nước khi đó đều tin tưởng rằng một hiệp ước hòa bình toàn diện có thể được ký kết vào cuối năm ngoái nhưng tiến trình hòa bình đã bị đình trệ sau khi Azerbaijan từ chối các cuộc gặp dưới sự trung gian của EU và Mỹ vì cáo buộc có sự thiên vị dành cho Armenia./.