Ngày 15/10, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan, cho biết Australia và Timor Leste đã nhất trí về dự thảo của thỏa thuận phân định đường biên giới lãnh hải đạt được hồi tháng Tám vừa qua, qua đó chấm dứt tranh chấp kéo dài một thập kỷ qua giữa 2 nước liên quan tới các mỏ dầu khí.
Trong một thông báo, PCA cho biết trong các cuộc đàm phán kín tại La Haye, 2 nước láng giềng ở Nam Thái Bình Dương đã nhất trí về văn kiện hoàn tất của dự thảo thỏa thuận về phân định hải giới giữa hai nước tại biển Timor và giải quyết quy chế pháp lý cho mỏ dầu khí Greater Sunrise.
Theo PCA, dự thảo này "mở đường cho sự phát triển nguồn tài nguyên cũng như chia sẻ doanh thu.
Hồi cuối tháng 8/2016, Chính phủ Timor Leste yêu cầu PCA giải quyết tranh chấp giữa nước này với Australia về đường biên giới lãnh hải đi ngang qua khu vực có trữ lượng dầu khí lớn ở vùng biển Timor.
Phía Australia cho rằng những hiệp định về ranh giới trên biển đã được ký kết với Indonesia và PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này.
[Timor-Leste rút đơn kiện Australia trong tranh chấp lãnh hải]
Tuy nhiên, ngày 26/9/2016, PCA cho biết tòa này có đủ thẩm quyền giải quyết và tiến hành giai đoạn hòa giải trong năm 2017 để hai bên thương lượng trước khi tòa phân xử.
Australia và Timor Leste bắt đầu trao đổi để giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa hai bên ngay từ khi Timor Leste tách khỏi Indonesia năm 2002.
Năm 2006, hai bên đã ký “Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor,” theo đó ấn định mức phân chia lợi ích từ việc khai thác các mỏ dầu khí nằm trong vùng biển này.
Trước đó, Timor Leste từng đòi hủy bỏ thỏa thuận năm 2006 khi cáo buộc Australia sử dụng gián điệp để thu lợi thương mại trong các cuộc đàm phán năm 2004.
Tranh chấp chính trị kéo dài giữa 2 nước đã khiến những tập đoàn sở hữu mỏ khí đốt Greater Sunrise phải tạm dừng dự án. Ước tính những khu dự trữ này có trữ lượng 144 tỷ m3 khí đốt và 226 triệu thùng khí ngưng tụ với tổng giá trị lên tới 40 tỷ USD./.