Australia yêu cầu các "ông lớn" công nghệ xử lý nội dung cực đoan

Google, Meta, X, WhatsApp, Telegram và Reddit có 49 ngày để giải thích cách thức họ thực hiện để bảo vệ công dân Australia tránh tiếp cận với các nội dung và hoạt động khủng bố, bạo lực cực đoan.
Biểu tượng Facebook, WhatsApp và Instagram trên màn hình điện thoại. (Ảnh: The Gtheguardian

Ngày 18/3, Ủy ban An toàn Điện tử của Australia đã ra thông báo pháp lý, yêu cầu các "gã khổng lồ" công nghệ giải thích cách thức họ kiểm soát các "nội dung cực đoan bạo lực."

Các thông báo trên được gửi tới 6 công ty gồm Google, Meta, X, WhatsApp, Telegram và Reddit.

Những thực thể này có 49 ngày để phản hồi yêu cầu của cơ quan chức năng Australia.

Ủy viên Ủy ban phụ trách An toàn Điện tử Australia Julie Inman Grant cho biết những nội dung đáng lo ngại như video về vụ xả súng kinh hoàng tại nhà thời Hồi giáo ở New Zealand tiếp tục lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội chính thống.

Bà Inman Grant nhấn mạnh rằng không phải ngẫu nhiên thông báo được gửi tới các công ty trên, bởi có bằng chứng cho thấy các đối tượng khủng bố và bạo lực cực đoan đã khai thác các dịch vụ của họ.

Giới chức Australia muốn họ lý giải vấn đề cũng như nêu rõ cách thức để giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, yêu cầu các công ty liên quan báo cáo rõ các bước họ đang thực hiện để bảo vệ công dân Australia tránh tiếp cận với các nội dung và hoạt động khủng bố cũng như bạo lực cực đoan.

Đây không phải lần đầu tiên Australia nhằm vào các "gã khổng lồ" công nghệ. Vào tháng Hai năm nay, thông báo pháp lý tương tự đã được giới chức nước này đưa ra, trong đó yêu cầu các công ty công nghệ lớn kiểm soát và ngăn chặn các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.

Ủy ban An toàn Điện tử của Australia gần đây đã phạt nền tảng X 610.500 AUD (388.000 USD) vì không chứng minh được cách họ kiểm soát nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.

Tuy nhiên nền tảng của tỷ phú Elon Musk đã đưa ra hành động pháp lý nhằm phản đối mức phạt này.

Trước đó, với việc "Đạo luật An toàn trực tuyến" mang tính đột phá được thông qua vào năm 2021, Australia đã trở thành quốc gia tiên phong trong nỗ lực buộc các "ông lớn" công nghệ phải chịu trách nhiệm về những gì người dùng của họ đăng trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục