Australia xuất khẩu lô kim loại hiếm lithium đầu tiên sang Trung Quốc

Công ty Core Lithium, nhà phát triển dự án lithium Finniss ở bang Bắc Australia, chuẩn bị xuất khẩu 15.000 tấn quặng kim loại hiếm lithium chưa qua chế biến sang Trung Quốc.
Nhà máy chế biến Lithium tại Khu công nghiệp Kwinana ở Australia. (Nguồn: Tianqi Lithium)

Bang Bắc Australia đang chuẩn bị xuất khẩu lô kim loại hiếm lithium đầu tiên ra nước ngoài, với 15.000 tấn quặng chưa qua chế biến sẽ được gửi đến Trung Quốc, để chuyển đổi thành vật liệu dùng cho sản xuất ôtô điện và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công ty Core Lithium, nhà phát triển dự án lithium Finniss ở bang Bắc Australia, ngày 3/1, cho biết đang bắt đầu quá trình xếp hàng lên tàu và chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên này dự kiến sẽ rời bến cảng Darwin vào ngày 6/1.

Lô hàng sẽ cập bến cảng Phòng Thành Cảng ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, và sau đó được bàn giao cho công ty Ganfeng và Yahua – hai trong số các nhà chế biến nguyên liệu lithium lớn nhất thế giới.

Đại diện Core Lithium cho biết giao dịch mua bán được thực hiện thông qua một nền tảng trao đổi kỹ thuật số, với giá bán là 951 USD/tấn khô.

Ngoài giao dịch nói trên, Core Lithium cũng đã đạt được một thỏa thuận cung cấp khác cho Ganfeng và Yahua, bao gồm việc bán các lô hàng đá cứng có độ tinh khiết cao hơn quặng lithium dạng thô.

Sản phẩm này là tinh chất spodumene – nguyên liệu để tạo ra hóa chất lithium trong pin – bắt đầu từ năm 2024.

[Trung Quốc nắm lợi thế trên thị trường lithium Mỹ Latinh]

Mỏ lithium Finniss của Core Lithium có giá trị 89 triệu AUD (56,96 triệu USD) là mỏ khai thác kim loại hiếm đầu tiên của bang Bắc Australia và là dự án cung cấp lithium đầu tiên của quốc gia được phát triển bên ngoài bang Tây Australia.

Khi các nhà sản xuất ôtô toàn cầu đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung cấp lithium và một loạt nguyên liệu thô cần thiết khác, dùng trong hoạt động sản xuất ôtô điện.

Trong bối cảnh đó, dự án Finniss lại hướng sự tập trung vao việc khai thác ra tinh chất spodumene, được kỳ vọng là tốt hơn nhiều so với lithium dạng thô.

Giám đốc điều hành Core Lithium, Gareth Manderson, chia sẻ hiện dự án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, nhưng sẽ sớm đi vào sản xuất trong nửa đầu năm 2023.

Năm 2022, giá lithium và spodumene thế giới đã tăng “chóng mặt” do nguồn cung khan hiếm, không đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng lớn của các “đại gia” sản xuất ôtô và năng lượng sạch.

Tại Australia, giá xuất khẩu của spodumene đã tăng từ mức trung bình 598 USD/tấn vào năm 2021, lên 2.700 USD/tấn vào năm 2022. Dữ liệu thương mại của Chính phủ Australia dự đoán giá spodumene có thể lên tới 4.010 USD/tấn trong năm nay.

Đánh giá về tình trạng khủng hoảng nguồn cung đang diễn ra và nhu cầu mạnh mẽ từ việc tạo ra ngày càng nhiều xe điện hơn để thay thế cho các dòng xe chạy bằng nhiên liệu xăng gây ảnh hưởng tới môi trường, các nhà phân tích tin rằng giá lithium thế giới có thể sẽ nhận được “sự hỗ trợ mạnh mẽ” vào năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn một số ý kiến khác nhau về triển vọng giá lithium. Một số chuyên gia thị trường nhận định giá lithium có thể đạt đến điểm “uốn cong” vào năm 2023, khi giá cao vượt ra khỏi phạm vi nguồn cung xe điện, trong khi nhu cầu chậm lại.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo về việc điều chỉnh giá khi các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thừa cung ôtô mới.

Báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ thị trường xe điện Trung Quốc đang tiến tới tình trạng nhu cầu hạn chế trong vòng một đến hai năm tới, bằng chứng là doanh số bán hàng kém hiệu quả trong sản xuất.

Australia là nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, ước tính chiếm khoảng 30% nguồn tài nguyên toàn cầu.

Bộ trưởng Tài nguyên Australia Madeleine King cho biết doanh thu từ hoạt động xuất khẩu lithium của nước này đã tăng từ 1,1 tỷ AUD (704 triệu USD) vào năm 2020, lên hơn 16 tỷ AUD (10,24 triệu USD) vài năm 2022, khiến lithium trở thành mặt hàng xuất khẩu tài nguyên lớn thứ sáu của quốc gia.

Bà King nhấn mạnh cùng với các loại khoáng chất và đất hiếm quan trọng khác, lithium là yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với các công nghệ phát thải thấp như pin ô tô điện, tấm pin Mặt Trời và điện gió, giúp Australia và thế giới đáp ứng các cam kết đưa phát thải về 0% vào năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục