Chính phủ liên bang Australia đã đồng ý ngừng kháng cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các mức thuế quan mà chính phủ Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch của Australia ngay trước khi thể chế đa phương này đưa ra phán quyết về vụ việc trên.
Chiều 11/4, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết Trung Quốc đã cam kết tiến hành "đánh giá nhanh" các mức thuế mà nước này áp đặt đối với ngũ cốc của Australia trong ba tháng tới. Đổi lại, Australia sẽ "tạm thời đình chỉ" việc kháng cáo lên WTO trong cùng thời gian.
Phát biểu với báo giới ở thành phố Adelaide (bang Nam Australia), bà Wong cho biết chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đang tìm cách đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Trong trường hợp hai bên không thể đạt thỏa thuận, Australia chắc chắn sẽ giữ quyền kháng cáo lên WTO.
Theo quan chức ngoại giao này, các cuộc đàm phán song phương có thể giúp các nhà sản xuất lúa mạch Australia sớm quay trở lại thị trường Trung Quốc. Điều này có khả năng mang lại kết quả trong một khung thời gian ngắn hơn so với việc Australia chỉ tiến hành thông qua WTO.
Ngoại trưởng Wong cũng cho biết nếu thỏa thuận cung cấp một lộ trình thành công để dỡ bỏ thuế lúa mạch, Australia hy vọng sẽ thực hiện một "quy trình tương tự" đối với sản phẩm rượu vang của Australia xuất sang Trung Quốc.
Bà nhấn mạnh: “Rõ ràng, việc giải quyết các vấn đề thương mại sẽ mất thời gian, nhưng chúng tôi hài lòng khi thấy cuộc đối thoại mang tính xây dựng đã được nối lại,” đồng thời cho biết thêm Australia sẽ tiếp tục làm việc trong WTO để bảo vệ và duy trì quyền lợi của các nhà xuất khẩu Australia.
[Australia lạc quan về quan hệ thương mại với Trung Quốc]
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell cho biết đàm phán và thảo luận với các đối tác là phương pháp của Australia ưu tiên lựa chọn trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Vì vậy, Canberra đã tìm cách đối thoại với các đối tác Trung Quốc để xem có bất kỳ khả năng nào tháo gỡ những trở ngại thông qua đối thoại hợp lý hay không.
Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ Australia nhấn mạnh rằng việc Australia đình chỉ kháng cáo chỉ là tạm thời và Canberra có thể tiếp tục hành động của mình tại WTO sau khoảng thời gian ba tháng nói trên.
Australia bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đảo ngược thuế quan trong thời gian này, nhưng không cho biết Bắc Kinh có đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào hay không.
Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc (ACRI), Giáo sư James Laurenceson nhận định việc Bắc Kinh có hành động hay không là tùy thuộc vào họ, còn Australia luôn mong muốn giải quyết mọi việc thông qua kênh ngoại giao.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ngũ cốc Australia, ông Barry Large, ủng hộ chiến lược của chính phủ và cho biết tổ chức này “mong đợi một kết quả tích cực” từ việc Trung Quốc xem xét lại thuế quan. Ông nêu rõ lúa mạch là một loại cây trồng luân canh quan trọng đối với người nông dân Australia và bất kỳ sự lạc quan nào về triển vọng tương lai đều tốt.
Về phần mình, các nhà sản xuất ngũ cốc đã hoan nghênh động thái trên của chính phủ. Người phát ngôn của tổ chức trồng và sản xuất ngũ cốc bang Victoria của Australia, ông Andrew Weidemann đánh giá đây là "bước đi tích cực đầu tiên" trong bốn năm kể từ khi thuế quan bất ngờ được áp dụng đối với lúa mạch của Australia, động thái đã khiến thương mại giữa hai nước đình trệ. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng hiện không có gì đảm bảo các mức thuế quan sẽ được dỡ bỏ.
Vấn đề nảy sinh sau khi Trung Quốc tuyên bố Australia bán phá giá lúa mạch dưới giá thành sản xuất, cáo buộc mà ngành sản xuất lúa mạch của Australia luôn phủ nhận mạnh mẽ.
Hai nước ngừng giao dịch thương mại, tác động rất lớn đến người nông dân trồng ngũ cốc. Ước tính năm 2021, những người trồng ngũ cốc ở Australia đã thiệt hại từ 30-40 USD/tấn đối với lúa mạch làm thức ăn chăn nuôi khi Trung Quốc áp đặt thuế quan.
Tháng 5/2020, Trung Quốc đã áp đặt mức thuế 80% đối với lúa mạch của Australia trong 5 năm, làm tê liệt hoạt động thương mại trị giá tới 1,5 tỷ AUD mỗi năm./.