Australia ưu tiên nhu cầu chiến lược trong các quyết định về tàu ngầm

Ngày 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng Australia khẳng định, năng lực và nhu cầu chiến lược sẽ thúc đẩy việc ra quyết định, tiếp theo mới là việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles. (Nguồn: hardenexpress.com.au)

Liên quan đến kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trị giá 90 tỷ AUD (63 tỷ USD), Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết Canberra sẽ ưu tiên đáp ứng các nhu cầu chiến lược, bao gồm lựa chọn mua các tàu được sản xuất ở nước ngoài, hơn là những lời kêu gọi triển khai việc đóng tàu ở trong nước.

Việc máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc bao vây Đài Loan trong các cuộc tập trận bắn đạn thật những ngày vừa qua đã khiến Australia ngày càng quan ngại về nguy cơ xung đột khu vực, về khoảng trống trong năng lực tàu ngầm, hạm đội tàu khu trục mới và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trong bài phỏng vấn đăng trên tờ The Sydney Morning Herald ngày 8/8, Bộ trưởng Marles khẳng định, năng lực và nhu cầu chiến lược sẽ thúc đẩy việc ra quyết định, tiếp theo mới là việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.

[Quan hệ Pháp-Australia: Khi lòng tin chiến lược được khôi phục]

Khi được hỏi liệu Australia có thể mua những tàu ngầm đầu tiên từ nước ngoài để “lấp khoảng trống” trong khi chờ đợi một hạm đội mới được chế tạo ở Australia hay không, ông Marles thừa nhận đây là một lựa chọn của Canberra nhưng với điều kiện năng lực ngành công nghiệp đóng tàu trong nước cũng được mở rộng dần theo thời gian.

Ông nói: “Trong phạm vi khoảng trống năng lực khi chúng tôi xác định tốc độ sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, chúng tôi cần phải xem xét mọi cách thức có thể lấp đầy khoảng trống đó. Thực sự, điều quan trọng là chúng ta phải phát triển và cải thiện năng lực tàu ngầm trong nước ngay từ hôm nay. Và có rất nhiều cách để có thể thực hiện điều đó.”

Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng nêu hai lý do cho sự cần thiết phải phát triển năng lực đóng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân trong nước, bao gồm để không phải phụ thuộc vào năng lực công nghiệp của Mỹ và Anh và để chứng minh Australia có thể quản lý các tàu hạt nhân theo cam kết về không phổ biến hạt nhân - vấn đề quan trọng đối với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và đồng minh của Australia cùng các nước khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục