Australia-Trung Quốc và cuộc đua địa chính trị ở Thái Bình Dương

Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia vừa đăng tải bài viết phân tích về cuộc đua địa chính trị giữa Australia và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
(Nguồn: Getty Images)

Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia vừa đăng tải bài viết của tác giả Annmaree O’Keeffe, cộng tác viên của Trung tâm phát triển chính sách thuộc Đại học Quốc gia Australia, trong đó phân tích về cuộc đua địa chính trị giữa Australia và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Nội dung bài viết như sau:

Trung Quốc đang gia tăng sự quan tâm của mình đối với các quốc đảo Thái Bình Dương. Gần đây, Bắc Kinh đã tham gia đầu tư nâng cấp một bến cảng đa năng tại đảo Manus của Papua New Guinea.

Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, bao gồm cả sự gia tăng theo cấp số nhân các khoản đầu tư viện trợ, đã trở thành chủ đề phân tích và bình luận công khai.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương vừa diễn ra vào cuối tuần trước tại Nauru, Tổng thống Nauru Baron Waqa đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc.

Những chỉ trích của ông Baron được cho là có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Đài Loan (Trung Quốc), một trong những đối tác ngoại giao được Nauru công nhận.

Đáng tiếc là Australia không tham dự diễn đàn trên do những bất ổn chính trị nội bộ kéo theo sự thay đổi vị trí thủ tướng diễn ra gần đây.

[Australia và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương]

Tân Thủ tướng Scott Morrison đã không kịp nắm bắt cơ hội gặp gỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia láng giềng, trước khi lên đường tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2018 tại Papua New Guinea vào tháng 11 tới đây.

Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có lời mời các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, những quốc gia đã công nhận Trung Quốc, tới tham dự buổi gặp mặt tại Cảng Moresby thuộc Papua New Guinea, trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC 2018.

Điều này có nghĩa, ông Tập sẽ gặp các quốc gia láng giềng của Australia trước khi ông Scott Morrison kịp làm điều đó và Canberra sẽ vuột mất cơ hội thuyết phục các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương nhận thức một cách khách quan tầm quan trọng của các đối tác trong khu vực.

Hội nghị APEC 2018 tại Papua New Guinea tới đây sẽ làm sáng tỏ hơn nữa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia thân cận với Australia, cũng như thể hiện rõ sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Trung Quốc và Australia để trở thành đối tác phát triển của Papua New Guinea trong dài hạn.

Theo báo cáo được ghi nhận vào đầu năm nay, sự ủng hộ của Canberra đối với việc Papua New Guinea đăng cai tổ chức APEC 2018 được xem là một phần của chiến lược ngăn chặn quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với APEC.

Australia đã tài trợ Papua New Guinea khoảng 100 triệu AUD (tương đương 70 triệu USD), bao gồm 14,4 triệu AUD xây dựng các cơ sở hạ tầng và mạng lưới an ninh mạng, 5,4 triệu AUD củng cố lực lượng cảnh sát và gia tăng công tác phòng cháy, chữa cháy…

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát liên bang Australia cũng đã có mặt tại Papua New Guinea để hỗ trợ an ninh và tập huấn bảo vệ hội nghị.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ hào phóng của Australia cũng không thể hạn chế được quyền tham gia của Trung Quốc. Quốc gia lớn nhất châu Á đã rộng rãi đầu tư cho Papua New Guinea một trung tâm hội nghị dành riêng cho APEC 2018 và nâng cấp đường xá quanh khu vực cảng Moresby, thậm chí, bao gồm cả sự đầu tư không cần thiết để mở rộng đường cao tốc Poreporena nối liền tỉnh Waigani và trung tâm thị trấn Cảng Moresby.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Australia) công bố tháng 8/2018, tổng mức đầu tư viện trợ của Trung Quốc vào Papua New Guinea đang ngày càng gia tăng.

Năm 2016, Trung Quốc viện trợ 20,83 triệu USD cho Papua New Guinea, so với 375,96 triệu AUD (tương đương 263,17 triệu USD) của Australia.

Tới năm 2017, Trung Quốc tiếp tục đầu tư thêm 62,97 triệu USD cho Papua New Guinea, tăng gấp ba lần giá trị viện trợ so với năm trước, trong khi Australia không ghi nhận bất kỳ sự gia tăng viện trợ nào.

Một trong những hệ quả của cuộc cạnh tranh này là sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực đã tạo cơ hội để Papua New Guinea và các quốc gia Thái Bình Dương khác tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài đối tác truyền thống quen thuộc và buộc Australia phải gia tăng hơn nữa sự tham gia trong khu vực.

Nhưng liệu sự cạnh tranh tài chính này có đem lại lợi ích thực tế cho các quốc gia nhận viện trợ hay không? Cần phải lưu ý là hầu hết các khoản viện trợ của Trung Quốc đều được "tung ra" dưới dạng các khoản vay ưu đãi và sẽ phải hoàn trả. Trong khi đó, viện trợ của Australia là các khoản vay không hoàn trả.

Tuy nhiên, viện trợ của Australia thường đi kèm các điều kiện để thúc đẩy các quốc gia nhận viện trợ phát triển bền vững. Trong khi đó, viện trợ của Trung Quốc lại gắn liền với yêu cầu các dự án đầu tư do Trung Quốc tài trợ sẽ được thực hiện bởi các công ty và nhân công của Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất ít hoặc không có các việc làm mới được tạo ra cho người dân địa phương, cũng như không có sự chuyển giao kỹ năng.

Bù lại, chính quyền Papua New Guinea nhanh chóng được nhận các khoản viện trợ từ Trung Quốc, bất kể quốc gia này có đủ khả năng chi trả hay không.

Xét về tiềm năng, nguồn tài chính của Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với Australia. Vì vậy, câu hỏi chính là cuộc cạnh tranh này sẽ được tiếp tục trong bao lâu trước khi các lợi ích riêng của Papua New Guinea bị tàn phá bởi đồng Nhân dân tệ.

Thật không may, Australia đã buộc phải thỏa hiệp với chính các chương trình viện trợ của mình để bắt kịp phương pháp tiếp cận mang tính chất thương mại của Trung Quốc.

Ví dụ, một báo cáo mới đây nhất cho biết, một số khoản tiền của Australia đóng góp cho Diễn đàn APEC 2018 mới đây xuất phát từ bên ngoài các khoản ngân sách viện trợ.

Một câu chuyện nữa, đó là Trung Quốc đã lựa chọn đầu tư vào sự phát triển của khu vực hải cảng tại đảo Manus, nơi mà Australia hầu như không quan tâm đến trong suốt 17 năm qua. Hơn thế nữa, việc xây dựng một trung tâm tiếp nhận người tị nạn của Australia tại khu đảo này trước đó cũng đã tạo ra một vết cắt trong mối quan hệ song phương của Australia và Papua New Guinea.

Trong tiềm thức của người dân Papua New Guinea, Australia thường đi kèm với các cụm từ “chủ nghĩa thực dân mới” hay “chủ nghĩa thực dân”…

Bù lại, Trung Quốc xuất hiện với hình tượng tích cực, một vị "mạnh thường quân" đang ra tay giúp đỡ xây dựng đảo Manus. Vậy Australia cần phải làm gì?

Bất chấp sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai quốc gia Australia và Trung Quốc, Tổng thống Papua New Guinea Peter O’Neill vẫn vui vẻ ký vào các bản cam kết viện trợ, khiến cho quốc gia này ngày càng trở nên "nổi tiếng" hơn với các núi nợ xấu.

Trong khi đó, lĩnh vực y tế và dịch vụ giáo dục cơ bản tại Papua New Guinea vẫn tiếp tục tụt dốc.

Một ví dụ điển hình nhất là sự bùng phát của bệnh bại liệt 3 tháng trước tại Papua New Guinea, căn bệnh mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố kết thúc kể từ năm 2000.

Và nhà tài trợ nào, Australia hay Trung Quốc, sẽ là "quý nhân" giúp Papua New Guinea đẩy lùi dịch bệnh trước khi các nhà lãnh đạo APEC đặt chân tới quốc đảo này vào tháng 11 tới đây?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục